Các Bộ cần quan tâm vấn đề đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng

Mai Hạ|10/08/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị 3 Bộ cần đề cập thêm vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai vào phát triển năng lượng, chia sẻ lợi ích tài nguyên nước, đánh giá việc sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả; đồng thời đề nghị các Bộ cần quan tâm vấn đề đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng.

10-d-giam-sat.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo buổi làm việc giữa Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải

Sáng 10/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải.

Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát và các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cùng các chuyên gia.

Tại cuộc làm việc với 3 Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị 3 Bộ cần quan tâm đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát và Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm (nếu có).

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị các Bộ cần đánh giá, làm rõ việc tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành theo thẩm quyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực năng lượng và việc tổ chức thực hiện sau khi được ban hành. Các vấn đề khác như chuyển dịch năng lượng, khoa học - công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước của các Bộ đối với lĩnh vực năng lượng hay việc đón đầu và tạo cơ chế cho các năng lượng mới.

Trước các câu hỏi của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo 3 Bộ cũng giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu đặt câu hỏi; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đổi mới khoa học công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải ròng, sử dụng năng lượng tái tạo hợp lý.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Đoàn giám sát và các Bộ đối với việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Để rà soát và tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc liên quan đến phát triển năng lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cần đề cập, làm rõ thêm vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai vào phát triển năng lượng, chia sẻ lợi ích tài nguyên nước, đánh giá việc sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả; đồng thời đề nghị các Bộ cần quan tâm vấn đề đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị các Bộ cần có những giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong phát triển năng lượng, nghiên cứu làm rõ thêm về phát triển, chuyển giao, làm chủ công nghệ, năng lực quản trị nhằm đáp ứng thách thức đổi mới và phát triển năng lượng bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị 3 Bộ cần có báo cáo bổ sung, làm rõ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Đoàn Giám sát và hoàn thiện Báo cáo trước ngày 15/8 gửi Đoàn giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Bài liên quan
  • PetroVietnam thích nghi trong xu hướng năng lượng mới
    Xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững vẫn là xu thế tất yếu trên thế giới. Là một đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang chịu tác động mạnh của xu thế này. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều hoạt động liên quan đến điện gió ngoài khơi đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) triển khai trong thời gian gần đây với mục tiêu giữ một vị trí vững chắc trong quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các Bộ cần quan tâm vấn đề đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.