Môi trường - Tài nguyên

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6

Thu Phương 30/10/2024 08:49

Các lực lượng chức năng, sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 6, sớm ổn định lại cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng do bão.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 10 giờ ngày 29/10, bão số 6 và mưa lũ khiến hơn 318 nhà hư hỏng, tốc mái; 34.201 nhà ngập. Về nông nghiệp: hơn 622 ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 2.784 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 531 con gia súc, 17.552 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.091 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

165158-13-co-so-kinh-doanh-dich-vu-tai-bai-tam-cong-dong-xa-gio-hai-bi-sap-toc-mai-anh-nguyen-linh-ttxvn.jpg
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6

Ngày 29/10, tỉnh Quảng Bình vẫn mưa lớn khiến số nhà dân bị ngập nặng tiếp tục tăng. Huyện Lệ Thủy có hơn 19.760 nhà, huyện Quảng Ninh hơn 12.000 và thành phố Ðồng Hới hơn 1.000 nhà bị ngập sâu. Hiện lực lượng chức năng tỉnh đã di dời 1.249 hộ với 3.681 nhân khẩu; trong đó huyện Quảng Ninh phải di dời nhiều nhất là 1.105 hộ với 3.125 khẩu.

Ðể bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, Khu Quản lý đường bộ II (Cục Ðường bộ Việt Nam) đã chủ động phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương kịp thời phân luồng giao thông đi vào tuyến tránh; không để người dân đi vào những đoạn đường bị ngập sâu.

Sáng 29/10, trong lúc làm nhiệm vụ ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), tổ công tác của Viettel Lệ Thủy kịp thời ứng cứu ông Trương Văn Duy (58 tuổi ở xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) bị lật thuyền lúc chiều tối ngày 28/10, phải bám trên cột điện suốt nhiều giờ. Sau đó, tổ công tác đưa ông Duy đến trụ sở Công ty Ðiện lực huyện Lệ Thủy để chăm sóc sức khỏe.

Ảnh hưởng hoàn lưu bão, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có hơn 1.250 nhà ở của người dân bị ngập từ 0,5m-1m; khoảng 3.740m kênh mương bị sạt lở, cuốn trôi và bồi lấp; hơn 164 ha hoa màu, 593 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt. Huyện đã di dời 289 hộ với 790 người của các xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Hiền Thành… đến nơi an toàn. Học sinh của 52 trường học trên địa bàn huyện nghỉ học từ ngày 28/10. Tuyến đường đến xã miền núi Vĩnh Ô bị chia cắt khi xảy ra sạt lở 40m khiến các phương tiện không thể lưu thông.

Ðể tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão và mưa lớn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 110/CÐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó bão số 6 ngày 27/10.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế (nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang còn lũ, ngập lụt) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn để chủ động ứng phó; tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, đồng thời tổ chức trực ban (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành liên quan, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) về việc kết thúc tìm kiếm nạn nhân mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu theo đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.

Ngày 29/10, Cục Ðường bộ Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bão số 6 (bão Trami), trên địa bàn các địa phương duyên hải miền trung, lũ về nhanh làm sạt lở và ngập lụt nhiều tuyến quốc lộ. Các tuyến Quốc lộ 1, 15, 9B, 49B,… có 28 vị trí bị ngập, trong đó 15 vị trí ngập sâu hơn 50 cm; 72 vị trí ta-luy dương, âm bị sạt lở với khối lượng hơn 30.000 m3,… gây ách tắc, nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Cục Ðường bộ Việt Nam chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ II, III, IV và các Sở Giao thông vận tải trực chốt 24/24 giờ cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các vị trí bị ngập sâu. Tính đến ngày 29/10, các vị trí bị ngập, sạt lở đã cơ bản bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, còn 13 vị trí vẫn bị ngập sâu. Các đơn vị tiếp tục bám sát hiện trường, theo dõi diễn biến mưa lũ để phân luồng, bảo đảm giao thông tại các vị trí ngập lụt, sạt lở.

img-0073-6262.jpeg.jpg
Cơ quan chức năng đưa hàng cứu trợ đến nơi người dân bị ảnh hưởng bão số 6

Với mục tiêu thông đường sớm nhất, Công ty cổ phần Ðường sắt Bình Trị Thiên và các đơn vị ngành đường sắt đã huy động nhiều thiết bị, cùng hàng trăm công nhân tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình tới hiện trường khu vực cầu Sa Lung (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Lũ đã làm dịch chuyển 2 đoạn đường sắt ở khu vực này với tổng chiều dài hơn 1,3km, cách tim đường cũ khoảng 3-4m. Các công nhân làm việc 3 ca mỗi ngày nhằm thông tuyến đường sắt sớm nhất.

Ðến 16 giờ 29/10, đường sắt bắc-nam đã chính thức thông tuyến trở lại; tàu khách SE6 (xuất phát ga Sài Gòn ngày 28/10/2024) là chuyến tàu đầu tiên chạy qua điểm sự cố. Trong thời gian khắc phục sự cố, ngành đường sắt đã thực hiện chuyển tải an toàn 17 chuyến tàu khách (4.574 hành khách); phục vụ suất ăn, nước uống miễn phí cho hành khách khi tàu đến ga chậm giờ. Cùng với đó, xử lý hoàn vé cho 2.416 khách hàng có nhu cầu trả vé, tương đương 1,3 tỷ đồng.

Bài liên quan
  • Gần 360 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024
    359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp vừa được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương công bố đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 9 năm 2024. So với năm 2022, năm nay cả nước có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong đó có sự tham gia lần đầu của những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.