Gần 360 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024

Mai Hạ|29/10/2024 21:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp vừa được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương công bố đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 9 năm 2024. So với năm 2022, năm nay cả nước có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong đó có sự tham gia lần đầu của những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Chiều 28/10, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương chủ trì tổ chức họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin về Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024

Theo Cục Xúc tiến thương mại, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ và tạo dựng uy tín vững chắc với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Chương trình không chỉ tôn vinh những thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Phát biểu tại họp báo, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, kỳ xét chọn năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

29-thg-hieu-qga.jpg
Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí

Cũng theo Phó Cục trưởng, năm 2024, kỳ xét chọn thương hiệu quốc gia lần thứ 9 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Sau quá trình sàng lọc, hồ sơ của các doanh nghiệp sẽ được chuyển tới các thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam - là đại diện của các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan và các chuyên gia độc lập trong các lĩnh vực, ngành hàng khác nhau tùy theo sản phẩm đăng ký của doanh nghiệp - và được thẩm định theo hệ thống tiêu chí được quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 33/2019/TT-BCT và Thông tư số 25/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương. Hệ thống tiêu chí này được các chuyên gia nghiên cứu, xây dựng dựa trên phương pháp định giá thương hiệu InterBrand (Công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng của Hoa Kỳ) và những tiêu chí tương tự của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Mỹ (The Malcolm Baldrige National Quality Award).

Để đảm bảo tính chặt chẽ và hệ thống của quy trình xét chọn, sau quá trình thẩm định hồ sơ, Ban Thư ký Chương trình cũng phối hợp với các Bộ ngành liên quan, cụ thể: Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND của 63 tỉnh/thành trên cả nước, kiểm tra tình hình đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chấp hành pháp luật cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đăng ký xét chọn và tiến hành thẩm định thực tế tại một số doanh nghiệp trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm đảm bảo tính xác thực về thông tin, sản phẩm và yêu cầu doanh nghiệp giải trình những vấn đề còn chưa được làm rõ trong hồ sơ.

Sau đó, Ban Thư ký tổng hợp kết quả đánh giá, ý kiến từ phía các cơ quan chức năng cùng với kết quả giải trình của các doanh nghiệp để báo cáo và xin ý kiến các ủy viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia - gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21/10/ 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. So với năm 2022, năm nay cả nước đã có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/ kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Kỳ xét chọn lần thứ 9 năm 2024 ghi dấu ấn với sự tham gia lần đầu của những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế, không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Việt mà còn cho thấy nhận thức ngày càng cao của doanh nghiệp về tầm quan trọng của thương hiệu trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Điều này đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên thị trường.

Với chủ đề của Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 "Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh”, Chương trình muốn gửi gắm thông điệp về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Trên hành trình nâng tầm thương hiệu Việt để "sánh vai với các cường quốc năm châu", Chương trình Thương hiệu quốc gia không chỉ đại diện cho chất lượng và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn đánh dấu cam kết mạnh mẽ đối với hướng tới phát triển xanh. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã trở thành bệ phóng giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới với tinh thần đổi mới, sáng tạo và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp không chỉ tiên phong trong lĩnh vực kinh tế mà còn là lực lượng dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc trong tương lai.

Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 04/11/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo Thông tư 33/2019/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, 3 tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm: Tiêu chí 1: Chất lượng; Tiêu chí 2: Đổi mới sáng tạo; Tiêu chí 3: Năng lực tiên phong.

Đối với Tiêu chí 1. Chất lượng gồm 5 nội dung là: Áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) ISO 9001; áp dụng, duy trì hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 14001, SA 8000, VietGap, Global Gap... hoặc tương đương); công bố về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm; các giải thưởng chất lượng. Mỗi nội dung có số điểm tối đa 60 điểm và tổng điểm tối đa của Tiêu chí 1 là 300 điểm.

Đối với Tiêu chí 2. Đổi mới sáng tạo gồm có 8 nội dung như: Chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo; tổ chức công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); các giải thưởng sáng tạo… Tổng điểm tối đa của Tiêu chí 2 là 180 điểm.

Đối với Tiêu chí 3. Năng lực tiên phong gồm có 14 nội dung như: Tầm nhìn doanh nghiệp; giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; tầm nhìn thương hiệu; định vị thương hiệu; bảo vệ thương hiệu…… Tổng điểm tối đa của Tiêu chí 3 là 520 điểm

Việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/01/2020.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gần 360 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.