Các địa phương trong cả nước hưởng ứng “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu 2021

Trần Đức|18/02/2021 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động trồng và bảo vệ rừng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.


VIDEO: Cả nước hưởng ứng “”Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu

Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người,” trong suốt hơn 60 năm qua, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước lại tích cực trồng cây gây rừng, qua đó “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.”

Tiếp tục lan tỏa truyền thống tốt đẹp trên, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, ngày 31/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021; cả nước chung sức, đồng lòng góp sức hướng tới mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025. Riêng năm 2021, theo kế hoạch cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây đầu xuân tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Ngày 17/2, trong không khí tươi vui của những ngày đầu xuân mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, hiền tài có công với nước và trồng cây tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Sau lễ dâng hương, thực hiện chương trình trồng cây đầu xuân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã phát động Tết trồng cây cách đây 62 năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội đã trồng cây đa ở trước Đoan Môn.

Trong sáng 18/2, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tham gia trồng cây cùng bà con nhân dân xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, những năm qua, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh phân tán ngăn sóng, chắn cát luôn được Đảng,

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trồng cây với cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên còn thấp, nhiều khu vực rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, mật độ cây xanh ở các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp còn thấp. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân cả nước sẽ đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang tích cực xây dựng kế hoạch trồng cây xanh ngay vào những ngày đầu của năm mới Xuân Tân Sửu 2021. Cùng với “Tết trồng cây,” Tổng cục Môi trường cũng đang xây dựng và sớm triển khai thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh với mục tiêu cao nhất đảm bảo về tính môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, hướng đến phát triển bền vững…

Các lực lượng tại Yên Bái tham gia Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ảnh: Thanh Sơn

Qua sự tham gia hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây,” trồng cây gây rừng nêu trên, có thể thấy rừng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đang trở thành vấn đề thời sự, luôn nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Không có một dân tộc, một quốc gia nào không biết rõ vai trò quan trọng của rừng trong cuộc sống.

Đặc biệt, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông; rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán, xâm nhập mặn; là lá phổi xanh của trái đất quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.

Trần Đức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương trong cả nước hưởng ứng “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu 2021