Các giải pháp cấp bách chống sạt lở đồng bằng sông Cửu Long

Thu Hương (T/h)|14/09/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sạt lở ở ĐBSCL diễn ra trên diện rộng. Nhằm hạn chế và khắc phục sự cố, nhiều địa phương thường xuyên quan trắc để cảnh báo, lấp hố xoáy, di dời dân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng một số địa phương chưa “bắt đúng bệnh” dẫn đến công tác khắc phục chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí.

ĐBSCL vốn là nơi chứa nhiều phù sa, cát sông Mê Công tải về miệt mài bồi đắp trong hàng nghìn năm qua. Trong quá trình bồi đắp đó, đúng là có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở. Nhưng từ 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm.

Nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mekong, tức là sự thiếu cát và phù sa. Nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta quan sát các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL sẽ thấy các vụ sạt lở có một dặc điểm chung. Đó là trước khi sạt lở khoảng 1 – 2 ngày, thường có một vế nứt cách bờ sông khoảng 5m, chạy dài 80 – 100m. Sau đó toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt, bị trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, phần đất ở trên trượt cả khối xuống.

Còn sóng tàu thuyền có gây sạt lở cục bộ một vài nơi chứ không phải là nguyên nhân của hiện tượng sạt lở tràn lan ngày nay. Sự biến động dòng chảy, cũng là hệ lụy của việc khai thác cát trên hệ thống sông làm đảo lộn động lực dòng chảy.

Sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn ra phức tạp hơn

Những nguyên nhân làm sạt lở bờ sông

Trong tình huống bình thường, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến độ ổn định mái dốc dòng sông đó là độ kết dính của đất, trọng lượng riêng của đất, độ cao bờ sông, độ dốc, và áp lực lỗ rỗng trong đất. Đất bờ sông Tiền, sông Hậu phía thượng nguồn pha nhiều cát nên độ kết dính kém, đáy sông bị sâu hơn xưa nên chiều cao bờ sông đã gia tăng, vậy nó đòi hỏi một mái dốc rất lài mới đạt ổn định. Ví dụ mái dốc cần thiết để ổn định là 30 – 45 độ mà hiện nay dốc 80 – 90 độ thì sẽ có vết nứt, cho đủ độ ổn định thì phần dư thừa đó sẽ sụt cả khối xuống. Trong trường hợp này, phần chân đã đứt thì sụp đổ là tất yếu.

Đối với dòng sông chảy qua đoạn nào đó, nó cần phải giải quyết vấn đề năng lượng dòng chảy. Với lưu lượng như nhau từ trên chảy xuống dưới thì nó phải giải quyết vấn đề năng lượng bằng cách một là nó tăng vận tốc chảy hoặc hai là phải mở rộng tiết diện bằng cách đào sâu đáy sông hoặc ăn vào hai bờ. Mà thường là ăn vào bờ bên vịnh, do lực ly tâm như đã nói.

Đối với dòng sông, khi nó chọn điểm nào để gây sạt lở thì điểm đó là hợp lý nhất đối với nó. Chúng ta không thể “cãi” lại dòng sông. Khi nó đã gây sạt lở rồi mà mình cố tình lấp lại thì ta đã đưa dòng sông về trạng thải mất cân bằng như trước khi sạt lở để rồi nó phải tiếp tục tự tìm cách giải quyết vấn đề cân bằng năng lượng như đã nói. Cách giải quyết của dòng sông lúc đó là sẽ đánh vào công trình chống sạt lở hoặc tiếp tục ăn xuống đáy sông, ngoạm vào bờ bên kia sông.

Trong bối cảnh chung của sông ngòi ĐBSCL ngày nay là mất cân bằng, thiếu hụt bùn, cát và đáy sông đã hạ thấp hơn so với trước đây thì sạt lở trong thời gian tới sẽ diễn ra thế nào?

Tất nhiên vấn đề sạt lở ở ĐBSCL sẽ có khuynh hướng còn tiếp diễn và càng phức tạp hơn. Riêng về điểm sạt lở tại QL 91 ở huyện Châu Phú (An Giang) thời gian qua còn có đặc điểm riêng là sông phía trên rộng nhưng tại khu vực đó bị hẹp và cong, tạo ra bên vịnh và bên doi.

Khi nước ở thượng nguồn chảy xuống, tới đây bị hẹp nên phải tăng vận tốc và bị quẹo nên tạo ra lực ly tâm làm cho tim sông không đi giữa sông mà đi sát vào bờ phía vịnh. Mực nước phía bên vịnh cũng dềnh lên cao hơn ở phía vịnh so với phía doi. Vận tốc chảy phía vịnh lớn hơn phía doi.

Do mực nước bên vịnh cao hơn, bị trọng lực kéo xuống thì ngoài dòng chảy tới còn có dòng chảy xoắn. Như vậy phía vịnh là phía luôn luôn chịu áp lực xói lở, phía doi có thể bồi lắng. Trước đây không sao, nhưng ngày nay, sông đã sâu hơn, dòng nước thiếu bùn cát thì hình hành “nước đói”. Dòng chảy xoắn này nay bị đói nên đào xuống tạo vực thẳm bên dưới và ăn vào bờ sông.

Sạt lở thường xảy ra vào đầu mùa lũ. Vì lúc này nước bắt đầu mạnh lên nhưng còn thấp, hai loại dòng chảy này ở phía vịnh bào mòn, ăn đứt chân bờ sông. Mực nước thấp nên khối đất ở trên rất nặng không có gì chống đỡ.

Việc ứng phó sạt lở bờ sông như thế nào?

Còn về mặt ứng phó thì nơi nào nguy cơ sạt lở cao thì trước khi sạt lở nên xem là tình huống khẩn cấp, cần phải phản ứng nhanh để bảo vệ tài sản, tính mạng cho dân. Khi đã sạt lở rồi thì không còn khẩn cấp nữa, việc khắc phục ở giai đoạn này không nên hấp tấp. Phải tính tới mọi phương án, đặt lên bàn cân, tính toán khả thi kỹ thuật và cân nhắc được, mất, độ chắc chắn và rủi ro của từng phương án rồi mới chọn phương án mà làm.

Cụ thể, ở đây có thể nghĩ tới một là đem bao cát lấp như các địa phương ở ĐBSCL đang làm, nhưng phải hiểu rõ cơ chế dòng sông, tính đến rủi ro thất bại của phương án. Hai là nếu thấy rằng không thể bảo vệ thì tính tới phương án rút lui, chấp nhận bỏ khu vực đó, tái định cư dân và làm đường tránh. Thứ ba là chỉnh trị nắn dòng đưa tim sông ra giữa hoặc sang bờ kia, chấp nhận mua đất, bồi thường và cho sạt lở đất nông nghiệp bờ kia ít giá trị hơn bờ này.

Nói tóm lại là trong tình huống không còn là khẩn cấp nữa thì không nên quá hấp tấp chỉ đưa một phương án rồi trở thành sai lầm. Quá hấp tấp khi chưa suy xét mọi phương án, chỉ nhắm mắt chọn một phương án thì dễ dẫn tới thất bại và hoang phí. Số tiền 25 tỷ đem cát quăng xuống lấp hố xoáy làm sạt lở QL 91 trên địa bàn An Giang sẽ không đem lại kết quả tốt. Lưu ý rằng cát này cũng từ nơi nào đó trên sông Cửu Long mà thôi. Lấy cát nơi khác đem lấp nơi này thì tạo ra thiếu hụt cát nơi khác, giật gấu vá vai, dù vai có lành thì gấu cũng rách. Bởi vì sạt lở ĐBSCL sẽ còn nhiều trong tương lai, cần có phương pháp tiếp cận phù hợp.

Thu Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các giải pháp cấp bách chống sạt lở đồng bằng sông Cửu Long
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.