Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều tỉnh, thành phố áp dụng quy định đi chợ theo phiếu. Việc này nhằm hạn chế đi lại, tiếp xúc giữa người dân trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, nỗ lực phòng, chống dịch này sẽ không hiệu quả nếu chúng ta thiếu tuân thủ quy định.
Tuân thủ 5K
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giới nghiên cứu chưa tìm ra bằng chứng cho thấy việc xử lý hoặc tiêu thụ thực phẩm có thể gây lây nhiễm SARS-CoV-2. Nguy cơ lây nhiễm virus từ các sản phẩm mua bán trực tuyến, giao, nhận hàng cũng rất thấp.
Vì vậy, nguy cơ mắc Covid-19 của chúng ta khi đi chợ đầu mối, siêu thị mua thực phẩm là do tiếp xúc giọt bắn chứa virus của người mang trùng.
Theo công văn số 5858/BYT-MT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, những trường hợp là khách hàng, người lao động, người bán hàng cần tuân thủ một số quy định khi mua sắm.
Người dân tại chợ Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội, mua sắm trong những ngày được phát phiếu. Ảnh: Nhật Sinh.
Những người này không được đến chợ nếu có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang cách ly tại nhà. Đồng thời, các trường hợp trên phải khai báo y tế hàng ngày khi đến chợ để làm việc, mua hàng.
Khi đi chợ, người dân cũng cần giữ khoảng cách tối thiểu với người xung quanh, hạn chế tiếp xúc người khác. Đặc biệt, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách và thải bỏ ngay sau khi sử dụng (nếu là loại dùng một lần) vào thùng rác đúng quy định.
Chúng ta nên giữ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trong thời gian có mặt ở chợ. Khi ho, hắt hơi, người dân cần che mũi, miệng; vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay sạch; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; không khạc nhổ bừa bãi.
Đặc biệt, khách hàng, người lao động và người bán hàng phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch nếu bản thân/người khác: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và thực hiện theo hướng dẫn.
Người dân cần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thời gian di chuyển từ nơi ở đến chợ và ngược lại. Khách hàng chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên thẻ, nộp tại cổng vào.
Trong khi đó, người lao động, ngươi bán hàng ký cam kết thực hiện, tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Chỉ nên mua đúng, đủ
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), để mua sắm hiệu quả và an toàn trong mùa dịch, nguyên tắc đầu tiên là bạn cần mua sắm có kế hoạch, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm.
HCDC đưa ra một số khuyến cáo như sau:
Kiểm tra những gì bạn có ở nhà trước khi mua sắm: Trước khi lên danh sách những thứ cần mua, hãy kiểm tra các loại thực phẩm bạn đã có trong tủ lạnh, tủ đông và hạn sử dụng của các thực phẩm đó. Việc này sẽ giúp bạn hạn chế số lần đi mua sắm và tránh tiêu tiền vào những thứ bạn không cần.
Lên danh sách mua sắm: Mua sắm có thể làm bạn cảm thấy căng thẳng hơn vào thời điểm này. Hãy lập danh sách trước để giúp bạn tập trung, mua đúng các mặt hàng cần thiết và rút ngắn thời gian.
Tìm hiểu các dịch vụ của siêu thị/cửa hàng: Nhiều siêu thị, cửa hàng cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi; những dịch vụ này rất hữu ích trong thời gian giãn cách xã hội.
Nên mua bao nhiêu?: Mua những gì bạn và gia đình cần, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm. Có thể lập danh sách mua thực phẩm sử dụng trong 2-3 ngày, bao gồm các loại thực phẩm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm có hạn sử dụng dài, ít bị hư hỏng như ngũ cốc, hàng đóng hộp, sấy khô…
Nên sử dụng thực phẩm như thế nào?: Ăn thức ăn tươi trước, dự trữ các thực phẩm còn lại trong tủ đông hoặc tủ lạnh với những món bạn có thể ăn trong tuần thứ hai trở đi.
Nên mua những loại thực phẩm nào?
– Nhóm rau và trái cây: Mua trái cây theo mùa thường rẻ và tươi ngon hơn. Ưu tiên ăn rau lá trước, củ quả có thể để nhiệt độ phòng hoặc bảo quản trong hộp kín bỏ tủ lạnh. Có thể dự trữ rau củ đông lạnh để làm sinh tố, nước ép…
Nếu bạn thích trái cây và rau đóng hộp, nên chọn loại nguyên chất 100%, trên nhãn mác thực phẩm có ghi “ít natri” hoặc “ít muối” hoặc “không thêm muối”.
– Nhóm ngũ cốc: Gạo, bánh mì, mì gói, phở, nui…, là những lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta nên chọn thêm các loại ngũ cốc nguyên cám, nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám,…).
– Nhóm cung cấp chất đạm: Thịt cá tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp, có thể mua cá ngừ, cá hồi hoặc cá mòi đóng hộp, (những loại này bảo quản tốt). Một số thực phẩm giàu đạm với giá rẻ như các loại đậu. Bạn nên ưu tiên thịt trắng (gà, cá). Ngoài ra, trứng cũng là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng với chi phí thấp và dễ chế biến.
– Nước uống: Nên chọn nước lọc thay vì nước ngọt hoặc các đồ uống có đường khác.
– Nhóm sữa, sản phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua, phô mai,… nên chọn loại ít béo hoặc không béo.
HCDC cũng lưu ý vi khuẩn có hại phát triển nhanh nhất ở môi trường >5 độ C đến 60 độ C. Do đó, người dân không nên để thịt, cá, thực phẩm đã được làm lạnh ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Sau khi mua sắm, chúng ta cần nhanh chóng bảo quản thịt, cá và các loại thực phẩm ở ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh.
Sau mỗi lần mua, bạn nên chia nhỏ thực phẩm theo khẩu phần ăn trước khi bảo quản ngăn đông, điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian rã đông.
Đặc biệt, HCDC khuyến cáo người dân tuyệt đối không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông vì có thể tạo môi trường cho virus, vi khuẩn sinh sôi.
Trong mùa dịch, tăng cường sức đề kháng là điều rất quan trọng để chúng ta chống chọi bệnh tật, tạo hệ miễn dịch mạnh mẽ. Ngoài việc ăn uống đủ chất, người dân nên kết hợp tập luyện điều độ, thường xuyên và giữ tinh thần lạc quan.
Theo Zing.vn