Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.
Các khách mời của Tọa đàm: Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Cao Trí - Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam; GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT; ông Võ Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam.
Tọa đàm nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cử tri xung quanh vấn đề này; tạo điều kiện cho các tỉnh, thành, doanh nghiệp tiếp cận và quyết định lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý vấn đề bức xúc hiện nay; góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính cuối năm 2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, về mặt công nghệ, chúng ta cần quan tâm đến hai mặt, đó là những ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ cụ thể, bởi không có công nghệ nào đều là ưu điểm. Chúng ta phải khẳng định, mỗi một công nghệ đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào thành phần, tính chất của chất thải để chúng ta lựa chọn công nghệ phù hợp.
Thứ hai, liên quan đến áp lực về tốc độ đô thị hóa. Khi đời sống người dân được nâng cao, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh tạo áp lực cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Trong khi đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt. Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị.
Tôi cho rằng, vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và việc bố trí các địa điểm lưu giữ, thu gom rác thải phải phù hợp với các khu dân cư. Tiếp đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đang là vấn đề cấp bách. Chúng ta nên lựa chọn các công nghệ xử lý khác nhau để phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương.
Cần căn cứ vào những tiêu chí nào để lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc lựa chọn công nghệ phù hợp ở đây có rất nhiều tiêu chí như: đốt sạch, đốt hết, đốt không để lại rác ở môi trường; hay đốt một phần, sử dụng những phương pháp khác xử lý phần còn lại... Vì vậy, chúng ta cần phải định nghĩa và có tiêu chí rõ ràng về vấn đề này.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn. Việc này cần phải được triển khai sớm nhất có thể. Nếu rác thải không được phân loại thì sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân.
Hiện nay, ý thức của người dân hoàn toàn có thể thay đổi. Đơn cử, tại hai xã Dục Tú, Liên Hà huyện Đông Anh, người dân đã phân loại rác tại nguồn rất tốt. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thêm chính sách về hạ tầng cơ sở để phân loại, thu gom rác tại nguồn. Sau khi đã phân loại, rác chính là tài nguyên thì hoàn toàn có thể xử lý được.
Việc đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải của chúng ta ngay lúc này thì cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài chúng ta vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.
Nói về các tiêu chí lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện phát triển và mục tiêu xử lý rác thải ở các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Tôi cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về các loại tiêu chí công nghệ. Công nghệ nào áp dụng trong bối cảnh chúng ta chưa phân loại rác tại nguồn như hiện nay, hoặc là có địa phương đã phân loại rồi nhưng do điều kiện hạ tầng trong quá trình trung chuyển, vận chuyển lại phải trộn lẫn. Để xử lý được, việc đầu tiên công nghệ phải đáp ứng được, đó chính là phải phân loại được rác theo tinh thần của Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tiêu chí thứ hai là phải chế biến thành các sản phẩm có thể tiêu thụ được trên thị trường và thân thiện với môi trường. Hoặc là bán điện, hoặc tạo ra khí gas dùng sản xuất điện, viên RDF hay tạo ra phân vi sinh...
Tiêu chí thứ ba là nếu doanh nghiệp đã đốt rác mà lại làm ô nhiễm môi trường thì phải tuyệt đối cấm.
Tiêu chí cuối cùng là lượng tro xỉ mang chôn lấp cần phải giới hạn khối lượng, chứ không thể lên tới 25-30% thì không còn gì xử lý.
Theo ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều công nghệ phù hợp xử lý rác. Nhưng khó khăn nhất ở đây là cơ chế và giá thành. Ở các nước châu Âu, mất khoảng 45 – 60 USD để xử lý 1 tấn rác. Ở Việt Nam hiện nay, khoảng 390 – 450 nghìn đồng (tương đương 17 - 20 USD)/ 1 tấn rác. Chúng ta phải nhập khẩu công nghệ với giá đắt hơn về logistic vì phải vận tải về Việt Nam, nhưng lại xử lý rác với giá thấp hơn. Do đó, tính hiệu quả mới là điểm nghẽn của các nhà máy xử lý rác hiện nay.
Hiện, chúng tôi đang liên kết với đối tác của Đức để có thể áp dụng công nghệ tối ưu hóa năng suất, là công nghệ khá tiên tiến của Đức. Hiện tại, có khoảng 16 nhà máy khác nhau được xây dựng ở Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ - những nơi có đặc điểm về rác khá giống với Việt Nam là chưa phân loại. Công nghệ này có điểm đặc biệt là, ngoài phần tạo thành biomass, nhiệt lượng biomass có thể dùng để đốt và sấy rác, để chuyển thành dạng vật liệu mới là hạt Abs. Nếu như các nhà máy này được đặt ở khu vực có nhiều nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện thì vô cùng tốt, vì có thể thay thế than trong quá trình sản xuất xi măng, hay sản xuất điện. Ngoài ra, công nghệ này có thể thu hồi được hạt nhựa, kim loại lẫn trong rác, có thể làm phân bón phục vụ nông nghiệp. Đó là công nghệ mà chúng tôi nghĩ khá phù hợp với tình hình rác thải lẫn lộn ở Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu tâm các công nghệ khác như công nghệ plasma – tiêu hủy hoàn toàn. Nếu công nghệ đó có giá thành phù hợp thì tôi cũng mong muốn hợp tác để có nghiên cứu sâu hơn trong quá trình thực hiện dự án sau này. Một số công nghệ khác của đối tác Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản, chúng tôi cũng đang xem xét. Tuy nhiên, rác ở các nước này khác với rác ở Việt Nam, nên tôi thấy chưa thật sự phù hợp. Trong tương lai, 5 – 7 năm nữa, khi chúng ta phân loại rác triệt để thì có thể áp dụng công nghệ đó tốt hơn.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Về cơ bản, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí về phân loại, vận chuyển và xử lý rác đã khá đầy đủ.
Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định về xử lý chất thải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các văn bản như tiêu chí về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt…
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định rất rõ về cơ chế, ưu đãi đối với các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng. Trong đó, các danh mục về đầu tư, tái chế chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp cần kiểm soát…
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ để tháng 11. 2022 có thể ban hành Quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành để ban hành Bộ tiêu chí phân loạt chất thải tại nguồn.
Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường - Nước Bình Dương cho biết: Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ xử lý rác thải cho địa phương từ năm 2004.
Công nghệ xử lý rác đã thay đổi theo thời thời gian. Đặc biệt là trong 2 năm gần đây, đơn vị đã đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành phân hữu cơ. Đơn vị đã đốt rác thải và tách các chất hữu cơ trở thành phân. Tro xỉ trong quá trình xử lý được sử dụng sản xuất thành sản xuất gạch và bê tông. Tuy nhiên, với dây chuyền của đơn vị hiện hiệu suất sản xuất chỉ đạt 30%. Phân thành phẩm phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra thị trường. Hiện nay, nhiều diện tích lúa hữu cơ và cây ăn trái tại địa phương đã chấp nhận sử dụng sản phẩm phân hữu cơ. Có thể thấy việc xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ đã giảm thiểu tối đa thời gian chôn lấp. Đặc biệt là giải quyết được mùn hữu cơ trong nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với phân bón vô cơ cũng như các loại phân bón hữu cơ khác trên thị trường hiện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc cạnh tranh về giá bán, do đó tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu ra cơ chế chính sách đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải thành phân hữu cơ cũng như giá bán khi đưa ra thị trường. Đồng thời, có khung giá và ưu đãi điện thành phẩm của việc xử lý rác thải giống như điện mặt trời.
Đối với việc xử lý rác thải thành gạch, việc bền màu các loại gạch này đã gây bất cập cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Các đơn vị phải lựa chọn nghiên cứu màu sử dụng ổn định trong nhiều năm. Do đó đã kéo giá thành sản phẩm cao hơn với gạch nung thông thường. Hiện doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán cạnh tranh sản phẩm khi chưa có thuyết phục người tiêu dùng được về giá bán sản phẩm. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ công nghệ cũng như giá bán của sản phẩm.
Về vấn đề vốn, hiện tại chúng ta đã hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải. Tuy nhiên việc vay nguồn vốn chỉ hạn chế định mức 50 tỷ. Nhiều dự án đầu tư hiện nay cần kinh phí thực hiện ít nhất 300 tỷ. Các ngân hàng hiện nay đều đỏi hỏi các nguồn tài sản thế chấp nhưng việc đáp ứng rất là khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương thường trả tiền xử lý rác vào cuối năm. Việc này rất bất cập, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động từ đầu năm nhưng đến cuối năm mới nhận được tiền. Do đó, doanh nghiệp không có tiền để trả tiền lương cho nhân viên dẫn tới tình trạng nợ lương 2-3 tháng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có nguồn để trả lương. Do vậy, cần có sự nghiên cứu sâu về cơ chế thanh toán hợp đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xử lý rác thải.
Hiện, Quốc hội đã ban hành 02 Nghị quyết gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đều đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.