VIDEO: [TRỰC TIẾP] Tọa đàm trực tuyến: “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”
Chủ trì: Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống
Khách mời tham dự buổi tọa đàm:
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh
Ông Lương Ngọc Khánh – Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng
Ông Nguyễn Thành Lam – Vụ Quản lý chất thải, Tổng Cục môi trường
Ông Lê Xuân Đoàn – Chuyên viên phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh.
Buổi tọa đàm còn có mặt của các PV, BTV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và các PV của các báo đài đến dự và đưa tin.
Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn và tại fanpage của Báo Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook.com/moitruongvacuocsong)
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, các đô thị tại Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh khiến cho việc thoát nước, xử lý nước thải đô thị ngày càng nan giải, vấn đề đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh, thành phố quy hoạch hạ tầng không đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của đô thị. Cùng với đó là, việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, thiếu cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp, đã dẫn tới tình trạng nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý vẫn ngang nhiên xả ra môi trường, đe dọa đến môi trường sinh thái và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.
Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chủ trì Tọa đàm
Theo báo cáo, hiện tại các tỉnh thành phố mới chỉ xử lý được 15 – 30 % lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường. Số lượng nước còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước.
Những dòng sông, ao hồ, sông ngòi hằng ngày đang oằn mình tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải đô thị chưa qua xử lý. Màu đen kịt, bốc mùi hôi thối là những gì mà chúng rất dễ nhận thấy mỗi khi đi qua các con sông, kênh rạch, ao hồ tại các đô thị lớn.
Nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nước và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
Nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng công tác quản lý và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể theo hướng thống nhất, nhằm mục tiêu quản lý nước thải sinh hoạt đô thị tốt hơn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới. Hôm nay, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”. Ban Biên tập rất mong nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của quý độc giả và gửi các câu hỏi để giao lưu với Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về công tác xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay tại địa phương mình.
Đối diện nhiều thách thức lớn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam cho biết: Chúng ta có thể thấy bức tranh toàn cảnh về xử lý nước thải ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80% đến 90% đang bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ lớn, có thể thấy về quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực… đang có vấn đề. Nước ta là nước có thu nhập trung bình nhưng vấn đề xử lý nước thải lại tương đương với nước chậm phát triển. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì đến 20 – 30 năm nữa chúng ta không có đủ nước sạch để dùng, có thể thấy nguy cơ rất đáng báo động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam
Ông Nguyễn Thành Lam – Chuyên viên chính Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lam cho biết, Chính phủ, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng đã nỗ lực đầu tư vào các dự án, công trình xử lý nước thải sinh hoạt. Hiện cả nước có 71 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Còn việc xước thải khu công nghiệp được các chủ đầu tư thực hiện. Đầu tư cho hệ thống thu gom nước thải khá lớn, trong khi giá xử lý nước thải rất thấp – chỉ 10%, nên chưa thu hút khối đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng đã phối hợp với nhau để đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện công tác này. Đến nay đã có 57/63 tỉnh thành truyền số liệu quan trắc nước thải về Bộ TN&MT hằng năm.
Ngoài ra, việc thu gom và xử lý nước thải đi liền với nhau; lượng nước thải xả ra môi trường lớn ảnh hưởng đến môi trường, thủy sinh. Để khắc phục thực tế này, Luật Bảo vệ môi trường quy định đảm bảo công nghệ phù hợp, công suất phù hợp với lượng nước thải phát sinh.
Ông Nguyễn Thành Lam – Chuyên viên chính Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường
Ông Lương Ngọc Khánh – Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng
Quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn. Nói về vấn đề này, ông Khánh cho biết: Hiện nay ở Việt Nam, quá trình đô thị hoá nhanh đòi hỏi vấn đề thu gom xử lý mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam đa số là hệ thống xử lý nước thải chung mà hiện nay theo quy định, cần hệ thống riêng, tách 2 hệ thống song hành. Bên cạnh đó, việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, mà đường ống được làm tư lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến nhu cầu không đủ, do vậy việc nâng cấp mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không có kinh phí, chỉ có từ nguồn ngân sách nhà nước, ODA, khó khăn trong quá trình cấp vốn. Hơn nữa, việc quản lý cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các cơ quan quản lý cần phải có sự đồng bộ. Hiện nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM chuyển đổi thàng cống nước thải nhưng cũng làm giảm năng lực thoát nước. Sự phát triển của các đô thị và sự phát triển của hệ thống thoát nước có khoảng cách lớn.
Ông Lương Ngọc Khánh – Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Trao đổi về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đô thị hiện nay tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: Chúng ta đều biết, nước sinh hoạt thường được lấy từ các nguồn nước cấp, nước mặt hoặc nước ngầm sau khi đã qua xử lý đạt yêu cầu theo quy định của nhà nước. Hiện nay, ở Việt Nam tại các thành phố lớn, các nguồn để cấp nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ nước mặt. Nguồn nước mặt nói chung và nguồn nước cấp sinh hoạt nói chung hiện nay dang có nguy cơ bị ô nhiễm. Theo tôi 4 có nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị lớn gồm:
Nguyên nhân trực tiếp thứ nhất đó là cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay còn nhiều bất cập. Hạ tầng thu gom và xử lý nước thải của chúng ta không theo kịp quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hiện nay, chúng ta mới xử lý được khoảng 13-15% tổng lượng nước thải sinh hoạt. Vậy còn gần 90% lượng nước thải thải ra môi trường không qua xử lý.
Nguyên nhân trực tiếp thứ hai là do ý thức trách nhiệm của bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn đô thị. Các đơn vị doanh nghiệp, khu CN, CCN đều có quy định về môi trường, xử lý nước thải. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, xả thải trộm, từ đó góp phần gây ô nhiễm không nhỏ cho nguồn nước.
Thứ ba, nguyên nhân gián tiếp là do quy hoạch về cấp thoát nước và quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập nên từ đó gây nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.
Thứ 4 là thiếu cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. Có thể thấy đây là một thị trường mở, thị trường chưa được khai thác. Với các nước thì đây có thể là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng ở Việt Nam, hiện nay các nhà đầu tư còn rất rụt dè, e ngại đầu tư trong lĩnh vực này. Có thể là do các chính sách của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn và các điều kiện để đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai kinh doanh có hiệu quả chưa được đảm bảo.
Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Ông Nguyễn Văn Hoàn– Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh hiện là 1 trong 3 tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn của miền Bắc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 xây dựng thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 43%.
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàn cho biết: Thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện quyết liệt, Bắc Ninh có 2 thành phố, tỉnh quan tâm vấn đề xử lý môi trường, có Đề án xử lý môi trường toàn tỉnh nói chung và xử lý nước thải nói riêng, 2 thành phố trực thuộc tỉnh có 2 nhà máy xử lý nước thải, với công suất 1.000m3 ngày/đêm. Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn đã xử lý 70% lượng nước thải của thành phố Từ Sơn.
Những bất cập, tồn tại cần tháo gỡ trong công tác quản lý nước thải sinh hoạt
Nhiều cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đã được hoàn thiện và ban hành như: Khoản 1 Điều 100 Luật Bảo vệ môi trường quy định đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải; khoản 2 Điều 147 của Luật cũng quy định chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải là một nội dung của chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường; Thông tư số 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải,…..
Mặc dù hệ thống chính sách điều chỉnh việc xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị khá đầy đủ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và một số bất cập khác, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử ở nước ta hiện nay chỉ đạt khoảng 13%.
Vậy, những ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt đô thị đối với môi trường và đâu là bất cập trong công tác xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị hiện nay?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân: Thực hiện pháp luật liên quan đến quản lý nước thải sinh hoạt hiện nay đang có vướng mắc giữa quy định chặt chẽ và khả năng đáp ứng thực tế như quy hoạch đất bố trí nơi xây dựng nhà máy xử lý… Vậy ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam
Chính sách đã bám vào các quy định của Đảng, từ năm 2013 hội nghị 7 khóa XII, Đảng đã đưa ra Nghị quyết 24, Nghị quyết về bảo vệ môi trường, tầm nhìn xa của Đảng, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về xử lý nước thải, Quốc hội có 2 Nghị quyết quan trọng 16, 32 kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đều đề cập đến vấn đề môi trường. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành đều có những chính sách quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mới nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022, tại điều 6 có quy định rõ các chỉ tiêu không được xả thải ra môi trường.
Có thể thấy tầm nhìn của các chính sách đã có. Tuy nhiên, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu thay đổi chậm hơn so với thực tế, vấn đề môi trường theo vẫn theo xu hướng hoạt động công ích, bao cấp. Nguồn lực xử lý nước thải chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng triệt để xử lý nước thải vấn đề không chỉ là mỗi nhà máy, còn vấn đề thu gom, công nghệ, Ví dụ những đô thị đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,…có thể xử lý công nghệ bậc cao, mà để đi kèm với việc đó phải có hệ thống thu gom tập chung. Nhưng hiện nay hệ thống xử lý công nghệ cao, mà đầu vào của nước thải không đồng nhất. Vậy nên hiệu quả của nhà máy xử lý nước thải là không tốt. Vậy nên khi sử dụng nguồn vốn ODA như vậy vẫn chưa có góc nhìn tổng thể, cần có lộ trình để giải quyết vấn đề nước thải, và từng vùng miền như thế nào?
Nhìn chung, chúng ta cần chuyển đổi không sử dụng theo hướng hoạt động công ích, cần kêu gọi tư nhân đầu tư, theo hướng kinh tế thị trường, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi. Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường.
Ông Lương Ngọc Khánh: Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác Xử lý nước thải đô thị gặp khó khăn đó là tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được Kế hoạch. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Vấn đề không chỉ là kéo dài mà nhiều dự án kéo dài từ lúc chuẩn bị đến qúa trình thi công, hiện nay cả nước đang có 21 dự án, và quy hoạch là cơ sở tiền đề cho các địa phương lập dự án. Một số địa phương đã chuyển đổi hệ thống thoát nước đô thị nhưng một số địa phương nhiều năm qua còn chắp vá. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị dự án đầu tư đòi hỏi nhiều kinh phí, mà ngân sách hạn hẹp thì việc thu hút nguồn vốn rất khó khăn.
Khu dân cư tập trung mới phải có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt
Việc triển khai đấu nối nguồn thoát nước chậm, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Các địa phương không có kinh phí, tỉ lệ đấu nối thoát nước từ các hộ dân ra nhà máy chỉ đáp ứng được 50%. Các nhà máy xây dựng xong cần đấu thầu, các địa phương cần đẩy nhanh quá trình ban hành giá dịch vụ thoát nước. các giải pháp đưa ra như phát triển đồng bộ, các địa phương cần lộ trình, giai đoạn cụ thể, phát triển mạng lưới thoát nước và quản lý được mạng lưới đó, thu gom tối đa lượng nước thải phát sinh. Phát huy tối đa hiệu qủa xử lý nước của các nhà máy.
Ông Nguyễn Thế Đồng: Trao đổi về các hệ thống và phương pháp xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay có đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của đất nước, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: Với tình trạng hệ thống hạ tầng xử lý như hiện nay thì sẽ còn xa mới đáp ứng được nhu cầu về phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là vấn đề mang tính lịch sử và khách quan, để đảm bảo được hạ tầng giống như các nước phát triển hiện nay thì chúng ta cần sự đầu tư vô cùng lớn. Theo tính toán sơ bộ để xử lý cơ bản lượng nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ở Việt Nam cần tối thiểu 10 – 20 tỉ đô. Đây là 1 lượng kinh phí lớn không dễ gì đáp ứng được. Vấn đề đặt ra là cần giải pháp khắc phục tình trạng này. Vì vậy chúng ta cần rà soát lại từ bước cơ chế chính sách, đến nguồn lực, đến công nghệ.
Thực tế cho thấy, tuy thiếu ngân sách nhưng nếu có cơ chế chính sách tốt sẽ phát huy được nguồn lực xã hội cho nâng cấp cơ sở hạ tầng. Về công nghệ, do thiếu kinh phí nên lâu nay để xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt chúng ta phải vay vốn ODA và chấp nhận công nghệ nước ngoài. Nếu tương lai chúng ta chủ động được nguồn tài chính thì tôi tin rằng chúng ta có đầy đủ tiềm lực về công nghệ và hoàn toàn có thể đảm nhiệm được việc thiết kế, xây dựng và vận hành không thua kém gì nước ngoài, thậm chí còn có thể hiệu quả hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân: Công tác xử lý nước thải ở TP Đà Nẵng mới chỉ chiếm 1/3 nhu cầu xử lý thực tiễn của TP trong khi 2/3 phần còn lại chưa được xử lý, lượng nước đó thường được đổ ra biển gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, cũng là khiến cho việc du lịch bị ảnh hưởng, vậy phải làm gì để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng để có thể phát triển du lịch gần bờ?
Hiện nay, công suất xử lý nước thải theo lý thuyết lượng người dùng nhân lên khoảng 100lít dùng/ngày. Tuy nhiên, thực tế lượng nước thải nhận ở các nhà máy nhiều hơn thế. Hiện nay, hệ thống của chúng ta là thu gom chung, giữa nước mưa, nước mặt, và nước xả thải sinh hoạt, nên những nơi nào có hệ thống thu gom riêng, thì tách nước thải sinh hoạt. Đối với TP Đà Nẵng Nếu tách riêng nước thải thì đáp ứng được công suất, còn hệ thống hạ tầng thu gom nước thải không đảm bảo tách riêng được với công suất như vậy thì không đủ.
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Bắc Ninh đang trong quá trình thực hiện việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay, tỉnh Bắc Ninh thấy có những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc gì?
Tỉnh Bắc Ninh xác định quy mô đối với nhà máy xử lý nước thải gồm vị trí quy hoạch, khu đất dành riêng cho việc xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, Bắc Ninh có mục tiêu ưu tiên đầu tư cho việc xử lý nước thải. Tứ 2015, khu nhà ở đều có mạng lưới xử lý nước thải riêng, sau này khi có nhà máy xử lý nước thải sẽ đấu nối tiếp vào.
Khó khăn phải kể đến là nguồn kinh phí cho đầu tư nhà máy thu gom, xử lý nước thải lớn, kinh phí cho xây dựng nhà máy có thể lên đến 180 tỷ. Mà nguồn xã hội hóa sẽ khó khăn nên thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư sẽ lâu. Vì thế mà Bắc Ninh sử dụng vốn đầu tư công. Hơn nữa, hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng, hệ thống này sẽ phát sinh nên chi phí lớn, nếu không có nhà dân chi phí sẽ đôn lên như độn vỉa hè. Khó khăn nữa là hệ thống rửa riêng, khi mưa hệ thống xử lý nước thải sẽ hòa chung với hồ điều hòa, điều này làm cho các hồ điều hòa bị ô nhiễm.
Ông Nguyên Thế Đồng: Các cơ chế chính sách, môi trường để các cấp, các ngành và toàn xã hội triển khai thực hiện dù được ban hành nhưng thực thi còn có chỗ vướng mắc. Thưa ông, ông có đề xuất giải pháp gì để các bộ, ngành, địa phương để có thể hoàn thành các chỉ tiêu trong thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị?
Hiện nay, về cơ chế chính sách đã có hệ thống tương đối đầy đủ, có các Luật như Luật quy hoạch, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Xây dựng. Luật và các văn bản dưới luật khá đầy đủ, tuy nhiên , thực tế chúng ta đều thấy quá trình cải thiện chất lượng môi trường diễn ra chậm. Ở nhiều địa phương, vần đề môi trường không được hạn chế lại còn gia tăng. Ở đây có nhiều bất cập chúng ta đã đề cập rồi. Tôi cũng xin trao đổi thêm, về các giải pháp, đầu tiên chúng ta phải nhận thức rằng vấn đề nước thải sinh hoạt đối với Việt Nam là vấn đề hết sức lớn, là vấn đề tồn tại khá lâu rồi, trong điều kiện Việt Nam là nước có xuất phát điểm rất thấp, bây giờ mới bắt đầu các công cuộc về phát triển kinh tế xã hội cho nên nguồn lực của chúng ta để đáp ứng cho nhu cầu xử lý nước thải là chưa đủ. Có lẽ là chúng ta phải có lộ trình rất cụ thể. Và theo tôi, trong điều kiện mà nguồn lực của chúng ta còn hạn chế thì giải pháp của chúng ta là phải kết hợp các giải pháp trước mắt, giải pháp ngắn hạn, giải pháp trung hạn, giải pháp dài hạn. Phải kết hợp những giải pháp về cơ chế chính sách cũng như các giải pháp về đầu tư. Ví dụ như tất cả các hoạt động mà có thể góp phẩn giảm phát thải nước thải, chúng ta có thể triển khai thực hiện mà không cần đầu tư tốn kém.
Hiện nay mà nói, tôi quan sát thấy, ở Việt Nam chúng ta vẫn có tâm lý là nước là cái gì đó trời cho, có thể dùng thoải mái mà không phải lo lắng gì. Hiện nay với giá nước sinh hoạt nhà nước ban hành bao gồm phí bảo vệ môi trường theo tôi nghĩ còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Cho nên thu nhập thì thấp nhưng bà con dùng nước vẫn phí phạm. Tức là giảm thiểu phát thải về nước thải là giải pháp đầu tiên mà chúng ta có thể làm trong điều kiện thiếu kinh phí.
Thứ hai là hạn chế ô nhiễm nguồn nước, điều này không có nghĩa là liên quan đến hoạt động trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước thải mà gián tiếp là chúng ta không được xả thải chất thải rắn, gián tiếp là chúng ta không được làm bất cứ hoạt động gì mà cuối cùng là gián tiếp nó có thể là lan truyền ô nhiễm đến với nguồn nước. Thí dụ, khi chúng ta phát thải khí thải nếu có nhiều bụi, nhiều chất độc hại thì mưa xuống nó cũng đi vào nguồn nước.
Cuối cùng là các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nếu không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường thì sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ô nhiễm nguồn nước và như vậy các chi phí xử lý sẽ tăng lên. Cho nên giải pháp thứ hai là đồng bộ thì không những là phải quản lý nước thải mà chúng ta còn phải làm tốt các giải pháp về quản lý môi trường cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Ví dụ như hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu,… như thế nào, có hợp lý hay không. Cuối cùng, chúng ta cần rà soát lại các cơ chế, chính sách để làm sao thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Thành Lam: Theo ông những tiêu chí nào được ưu tiên để lựa chọn công nghệ phù hợp xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và đặc biệt là phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt không có gì khó, không mới như xử lý nước thải công nghiệp. Việc quản lý, xử lý, thu gom nước thải là nhiệm vụ của các bộ, ngành, ví dụ theo lưu vực sông…
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT nêu ra các giải pháp ưu tiên về xử lý nước thải, có giải pháp tái sử dụng nước thải, chuyển giao tái sử dụng. xây dựng lộ trình các khu đô thị lõi. Các quy hoạch từ nay đến 2030 đặt mục tiêu khiêm tốn, cần xử lý đồng bộ theo lưu vực sông, theo chuỗi. Hiện nay có 3 công nghệ xử lý nước thải, cách tiếp cận xử lý nguồn thải thế nào. Việc xử lý nước thải của các địa phương cần các giải pháp, cơ chế đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Công tác quản lý xử lý nước thải được phân cấp về các địa phương quản lý, vậy theo quan điểm của ông, hiện nay chính quyền các địa phương đã thực sự quan tâm đến vấn đề này?
Để công tác quản lý, xử lý nước thải được phân cấp về các địa phương quản lý, Bắc Ninh sẽ lựa chọn nhà thầu cho thiết kế, thiết bị xây dựng thay vì ưu tiên công nghệ. Tôi đồng tình với các giải pháp của các địa phương, giải pháp liên ngành và cả của người dân chứ không chỉ riêng của nguồn đầu tư công.
Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch và đầu tư
Sự phát triển sẽ đi theo những vấn đề về ô nhiễm môi trường. Nước ta hiện nay, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đang được xem là một trong những vấn đề nóng. Vậy làm sao để phát triển bền vững, giải pháp nào cho vấn đề ô nhiễm trên.
Ông Nguyễn Thành Lam: Theo ông, để thực hiện hiệu quả việc xử lý nước thải đô thị sẽ cần những điều kiện gì? Các địa phương có thể dựa vào bộ tiêu chí nào để tự đánh giá chất lượng nguồn nước đã qua xử lý trước khi thải ra môi trường?
Việc xử lý nước thải phải hợp quy chuẩn quốc gia về môi trường, quy chuẩn với nước thải, công nghiệp và xử lý nước thải sinh hoạt có quy định riêng. Tiêu chí đánh giá xả thải cần phân vùng xả thải. Các tỉnh cần quy hoạch môi trường, hạn chế khi có khu dân cư, hoặc tiêu chí nước tưới tiêu. Cần cải tạo phục hồi 2 bên bờ sông chứ không chỉ xử lý nước thải, hoàn thiện quy chuẩn xử lý nước thải. cần đẩy mạnh chính sách, hợp tác công tư. Cần hợp tác quốc tế vào Việt Nam như các dự án được tài trợ từ World Bank.
Việt Nam cần xây dựng nhiều dự án công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Có ý kiến cho rằng, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong bối cảnh hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay, cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo hướng huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Ý kiến của ông như nào về vấn đề này?
Huy động được vốn đầu tư từ khối tư nhân sẽ rất tốt, nhà đầu tư họ quan tâm đến thời gian thu hồi vốn, Do đó cần có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư tư nhân, Bắc Ninh xác định giải quyết thủ tục hành chính nhanh, giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Vì vậy, các công trình xử lý nước thải nói chung và nhà máy điện rác đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng, theo kịp tiến độ.
Ông Nguyên Thế Đồng: Từ lâu, các quốc gia phát triển trên thế giới như Phần Lan, Singapore, Australia, Nhật Bản, Mỹ hay Nam Phi đã rất chú trọng trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là công tác xử lý nước thải đô thị. Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng những gì từ các quốc gia này trong việc xử lý nước thải đô thị?
Đối với Việt Nam chúng ta, để đạt được mức độ quản lý môi trường như các nước công nghiệp phát triển trên thì là cả một sự mơ ước. Chúng ta hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng như trong các chỉ đạo của Nhà nước cũng đều nêu việc học tập kinh nghiệm quốc tế, phát triển hợp tác quốc tế là những giải pháp rất quan trọng để giúp cho Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Theo tôi, trước hết cần phải xem lại các hệ thống chính sách, cơ chế hiện hành của chúng ta để có thể khơi thông nguồn lực quốc gia và phát triển mạnh mẽ hợp tác quốc tế. Cơ chế chính sách nếu phù hợp thì chắc chắn rằng nó có thể huy động được rất mạnh mẽ nội lực của chúng ta ở trong nước cũng như phát triển hợp tác quốc tế.
Thứ hai là về nguồn lực, chúng ta biết rằng nguồn lực trong nước là quyết định, hợp tác quốc tế rất quan trọng, làm sao phát triển được cả hai nguồn lực này, tựu chung cũng phụ thuộc vào cơ chế chính sách của chúng ta. Đối với Việt Nam ngoài việc học tập các nước phát triển về thay đổi cơ chế chính sách theo hướng xã hội hóa và theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt phải có nguồn thu, thì mới bền vững được. Trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng như các quy định liên quan cũng đã đề cập đến nguyên tắc này. Hiện nay chúng ta cũng làm chưa được bao nhiêu, nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền chúng ta phải học thêm nước ngoài. Chẳng hạn như ở Đức phí trả về nước thải cao hơn phí mua nước cấp, mà cái đấy hợp lý vì xử lý nước thải rõ ràng khó hơn xử lý nước cấp nhiều.
Thứ nữa là trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng đã nêu rồi, cái này chắc sắp tới Nhà nước cũng sẽ làm mạnh mẽ hơn, đó là quy định về trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, đặc biệt là những vấn đề về môi trường. nước ngoài người ta quản lý như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ nước ngoài, đây cũng là những quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà tôi cho là hết sức quan trọng. Hay là một loạt những nội dung khác như đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, đây là nội dung rất mới và rõ ràng là nếu thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn thì gián tiếp hay trực tiếp nó sẽ giúp chúng ta cải thiện chất lượng môi trường rất lớn bởi vì nội dung chính của kinh tế tuần hoàn là giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và tăng cường quản lý về chất thải.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân: Ông có kiến nghị gì để có thể triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nước thải sinh hoạt? Đặc biệt là để khuyến khích khu vực tư nhân tiếp cận, áp dụng các công nghệ tiên tiến phù hợp trong xử lý nước thải sinh hoạt?
Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, tôi nghiêng về kiến nghị các chính sách, nên học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, những nước có kinh nghiệm đi trước. Tuy nhiên, học hỏi áp dụng gắn với thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt, gần đây nhất là lưu ý về nghị quyết đại hội XIII kim chỉ nam trong chiến phát triển kinh tế – xã hội 10 năm, trong đó chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%, theo đó từ 15% tăng lên 70% trong vòng 10 năm tới, cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10-20 tỷ đô, như vậy cần những chính sách để thu hút tư nhân đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường, dùng các nguồn thu bù cho phí xử lý.
Hiện nay, các bộ, ban, ngành đã đưa ra lộ trình, Bộ TN&MT tiến hành thu thập thống kê về ngành nước sắp tới sẽ có bức tranh tổng thể, Bộ Xây dựng sửa đổi luật về cấp thoát nước, từ đó có cơ sở đạt được những bước tiến thiết thực hơn so với nguồn lực hiện có.
Ông Lương Ngọc Khánh: Cần có những chính sách, giải pháp nào để tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử lý đạt chỉ số cao, thưa ông?
Bộ Xây dựng từ năm 1998 cũng đã tham mưu về định hướng cấp thoát nước, nhiều chính sách được Chính phủ phê duyệt, định hướng đến năm 2025 tỷ lệ thu gom nước thải đạt 70%, tỷ lệ xử lý nước thải đạt 20-35% đối với đô thị loại 2, 15-20% đối với các đô thị loại 3,4. Từ nay đến năm 2030 đầu tư 300.000 tỷ đồng, trong đó các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM chiếm 30-40%, tỷ lệ xử lý đạt 40-45%.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang bắt đầu triển khai các chính sách như sửa đổi các công trình thoát nước bên ngoài, các quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, đầu tư triển khai lĩnh vực thoát nước. Chủ trương đề xuất sửa đổi các Nghị định về Hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, cây xanh, trình chính phủ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Đề xuất Luật cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua năm 2023-2024, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tham mưu. Bên cạnh đó, làm sao nâng cao được chính sách người dân sẽ phải trả tiền để đảm bảo trách nhiệm của người dân đối với bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hoàn: Hiện nay tỉnh Bắc Ninh cũng đã, đang và sẽ những nỗ lực đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đô thị như thế nào? Cũng như có những chính sách, môi trường đầu tư ra sao để thu hút các doanh nghiệp, dự án tham gia vào công tác xử lý nước thải đô thị trên địa bàn?
Các chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị được Bắc Ninh ưu tiên đưa vào nhiệm vụ phát triển đến năm 2025, 100% các chung cư ở các đô thị loại 4 đều phải có hệ thống xử lý nước thải, các công trình này đều là công trình ưu tiên về vốn, giải phóng mặt bằng. Bắc Ninh ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2030. Vì vậy, tỉnh ưu tiên đầu tư, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính và đầu tư xây dựng…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân: Với tư cách là ĐBQH tỉnh Bình Dương, theo ông, làm sao để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Hay nói cách khác, ông có kiến nghị gì về các chính sách, cũng như mong muốn các địa phương tạo môi trường tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này?
Đối với tỉnh Bình Dương đã có những chính sách thu hút đầu tư về lĩnh vực môi trường rất tốt, Đảng bộ tỉnh Bình Dương kêu gọi đầu tư rất sớm, đã có nhà máy xử lý nước thải, rác thải,… nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ so với thực tế. Ngoài những chính sách thu hút đầu tư tư nhân, tỉnh đã có chính sách xây dựng TP thông minh, quản lý chuyển đổi số, đáng chú ý sẽ có dữ liệu thông tin đảm báo minh bạch về ngành nước, môi trường trên địa bàn, cũng như là số liệu cần đầu tư nguồn lực thế nào?
Đặc biệt, chuyển đổi số phù hợp với chủ trương chung, kêu gọi đầu tư đảm bảo heo hướng bền vững. Tại tỉnh Bình Dương, chính sách thu hút đầu tư tư nhân đảm bảo tính bền vững cần phải có 2 yếu tố đó là về kỹ thuật và về tài chính. Cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ có những hướng dẫn về công nghệ, các Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể về nước thải, rác thải không chỉ với Bình Dương mà các địa phương khác để phát triển lâu dài và bền vững.
Nhà báo Nguyễn Văn Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tặng hoa cho các khách mời tham dự tọa đàm.
Ông Lương Ngọc Khánh: Hiện nay Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 15-2021-TT-BXD về quản lý công trình thu gom thoát nước. Quản lý nước thải yêu cầu các khu công nghiệp, khu đô thị mới cần sửa chữa, cải tạo cấp thoát nước, làm sao thu gom nước thải riêng và nước mưa riêng. Nếu đã là hệ thống thoát nước chung thì phải có phương án sớm xử lý tách biệt để đảm bảo. Cần khuyến nghị người dân duy trì bể xử lý tự hoại, đây là công nghệ tại chỗ để người dân khi phát thải nước thải sẽ giảm ô nhiễm. Nếu khu vực nào đã có hệ thống thoát nước riêng thì người dân sẽ không cần phải xây dựng bể tự hoại, việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho người dân. Các địa phương cần ban hành lộ trình cụ thể để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho người dân sớm nhất có thể, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại nước ta hiện thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ nước thải được xử lý còn thấp, phần lớn lượng nước thải chưa qua xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường hoặc qua xử lý nhưng không đạt yêu cầu, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, những hạn chế trong nguồn lực đầu tư, việc lựa chọn các công nghệ phù hợp, nhận thức của cộng đồng cũng như khung chính sách đang là thách thức lớn. Nếu không được quan tâm đúng mức đến xử lý ni-tơ, phốt-pho trong nguồn nước, bùn xả thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng xả thải, chất lượng môi trường. Đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài và bền vững, thiết nghĩ cần tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Cần xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị.
Ban biên Tập Moitruong.net.vn