Vì một cuộc sống xanh, xây dựng một môi trường học tập lành mạnh không rác thải nhựa là một trong những tiêu chí mà nhiều trường học thân thiện đã hướng tới. Việc ra đời CLB Zero Waste – CLB Sống Xanh tại THPT chuyên Lý Tự Trọng (Thành phố Cần Thơ) là ví dụ điển hình.
Thực trạng những đồ dùng một lần như giấy gói nilon, ly nhựa, ống hút, hộp nhựa, hộp xốp… trong ăn uống hàng ngày vẫn tồn tại ở nhiều không gian công cộng trong đó có cả trường học. Việc xử lí rác thải trong nhà trường chưa hiệu quả, dẫn tới mất mĩ quan trường học và ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, mặc dù việc phân loại rác đã được tiến hành nhiều năm trước, nhưng không duy trì được lâu, hiệu quả thấp. Với mong muốn tạo ra không gian sạch đẹp góp phần bảo vệ môi trường, CLB Zero waste – CLB Sống Xanh của nhà trường đã ra đời.
Chung tay làm sạch môi trường
Cô giáo Mai Ánh Tuyết, chủ nhiệm CLB Sống Xanh cho biết: Ngay từ khi thành lập, Câu lạc bộ đã nhanh chóng tiến hành tuyển chọn thành viên cũng như thực hiện các nhiệm vụ để khởi động phong trào. Mô hình hoạt động CLB Zero waste với 60 thành viên, được chia thành 6 đội với các nhiệm vụ khác nhau. Đội truyền thông làm công tác tuyên truyền; Đội Phân loại rác: Hướng dẫn HS các lớp phân loại rác thải sau giờ học; Đội Xử lí rác thải hữu cơ: Ủ rác thải hữu cơ trong trường thành phân bón; Đội xử lí rác vô cơ: Thu nhặt rác vô cơ tái chế, bán ve chai nhằm mục đích tái chế, tái sử dụng; Đội enzyme sinh học: Ủ nước rửa chén từ rác thải hữu cơ và trái bồ hòn và đội Hậu cần.
Ban Chủ nhiệm CLB đã phối hợp với Công đoàn nhà trường trong tuyên truyền, vận động tập thể giáo viên cùng thực hiện. Phong trào “Trường học không rác thải nhựa” được phát động, triển khai dưới nhiều hình thức, tập trung vào việc tác động ý thức, cùng hành động bảo vệ môi trường.
Trong công tác tuyên truyền, nhà trường đã xây dựng fanpage Câu lạc bộ Zero Waste. Đây là nơi đăng tải các bài viết về tác hại của việc sử dụng các chế phẩm nhựa, hộp xốp đối với sức khỏe, các mô hình sống xanh, các hoạt động về môi trường đang có hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Đồng thời, các thành viên cũng tiến hành xây dựng bảng hướng dẫn phân loại rác ở các lớp học, tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh phân loại rác thải. Fanpage của Câu lạc bộ còn kết hợp với Trang Truyền thông của Đoàn trường thực hiện đăng tải, chia sẻ các bài viết, đặc biệt là những bài viết trực tiếp về kết quả thực hiện phong trào của học sinh, nhằm nhắc nhở, thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng.
Giữ môi trường luôn xanh – sạch – đẹp
Sau một thời gian CLB Sống Xanh đi vào hoạt động, phong trào chống rác thải nhựa đã mang đến luồng gió mới về ý thức giữ gìn môi trường sống tại nhà trường. Đến giữa học kì 2 năm học 2018 – 2019 phần đông học sinh của trường đã có ý thức trong việc tham gia hoạt động phân loại rác. Không ít học sinh đã trở thành thành viên tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa tại trường. Các em thường xuyên nhắc nhở bạn bè thực hiện tốt việc phân loại và nói không với rác thải nhựa.
Học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng không chỉ biết tự giác phân loại rác tại trường, mà còn trở thành lực lượng tuyên truyền tích cực, tác động đến gia đình, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng. Trở về gia đình các em bắt đầu thực hiện phân loại rác, góp phần tích cực vào việc làm sạch rác thải. Chia sẻ về các hoạt động của CLB, cô Mai Ánh Tuyết tâm sự: Phong trào bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trở thành nền nếp nhờ những hoạt động tích cực của CLB Sống xanh.
Việc kiểm tra, đánh giá quá trình phân loại rác của các lớp sau mỗi giờ học được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Nhà trường phát động học sinh sử dụng các vật dụng thay thế tốt cho sức khỏe như: Mang bình nước đi học, mang cà -mèn để đựng thức ăn, sử dụng túi vải thay túi nilon, ống hút inox, ống hút tre thay cho ống hút nhựa… Những hành động đẹp này được nhân rộng thành nhóm học sinh rồi đến tập thể các lớp.
Nhà trường cũng đã đưa phong trào “Trường học không rác thải nhựa” vào quy định trong các hoạt động lớn như hội xuân, hội trại. Từ đó xây dựng các mô hình hoạt động gần gũi, thân thiện với môi trường như: Kinh doanh ăn uống tại chỗ trong hội xuân, mô hình giảm giá sản phẩm khi mang theo bình chứa, hộp đựng, bình nước…
Yến Nhi (T/h)