Cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống thiên tai

Khải Ngân|06/12/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong phòng chống lũ lụt vừa qua. Đồng thời, lưu ý việc phối hợp chống lũ giữa các địa phương, bộ ngành cần chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 tỉnh miền Trung – Tây nguyên, gồm: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng chỉ rõ một số vấn đề cần rút kinh nghiệm. Đầu tiên là trong bối cảnh vừa phải chống dịch Covid-19 vừa phải phòng chống thiên tai, đồng thời triển khai các công việc thường xuyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, xuyên suốt, nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong việc vận hành các hồ chứa. Việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ. Thủ tướng yêu cầu đánh giá thêm liệu có yếu tố chủ quan, mất cảnh giác trong đợt mưa lũ vừa qua không; rà soát lại hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là các hồ chứa…

Trước mắt, lãnh đạo các địa phương tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở cần khẩn trương; đồng thời khắc phục các sự cố, khôi phục việc cấp điện, nước, bảo đảm thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm khác; khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, hồ đập; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và doanh nghiệp.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…) tại Trung Bộ, Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.

Người dân cũng cần được hỗ trợ để xây dựng nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai. Cùng với đó, nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Khải Ngân

Bài liên quan
  • [Infographic]: Giải pháp ứng phó thiên tai tại Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, hằng năm phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, với cường suất lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đã có những giải pháp được triển khai trên phạm vi cả nước để ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết, thiên tai gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống thiên tai