Cảnh báo ô nhiễm hữu cơ nuôi thủy sản ở ĐBSCL

Minh Châu|05/11/2020 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổng cục Thủy sản cảnh báo hiện tượng ô nhiễm hữu cơ môi trường nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Có thể thấy, ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản lại kéo theo nhiều tác nhân gây biến động động môi trường với quy mô ngày càng lớn và hết sức đa dạng. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đang thật sự là vấn đề bức xúc, cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

Tình trạng ô nhiễm môi trường cần được khắc phục nếu muốn phát triển ngành bền vững.

Môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. ĐBSCL là vùng tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng (pyrite FeS2)và phèn hoạt động (jarosite (K/Na.Fe3/Al3(SO4)2(OH)6). Khi bị đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kinh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.

Các nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, nitơ, phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép), có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+, và chỉ số vi sinh Coliforms, đã cho thấy nguồn nước thải này cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch. Số liệu quan trắc môi trường nước trên sông rạch khu vực ĐBSCL cũng đã cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường nước sông rạch ở vùng ĐBSCL là rất lớn.

Số liệu quan trắc môi trường nước ở tỉnh An Giang trên sông Tiền có: BOD là 5mg/l, SS là 400mg/l, Coliforms là 143.103 MNP/100ml. Ở Vĩnh Long Sông Tiền BOD là 6,5 mg/l, SS là 54,17mg/l, amoniac là 0,46mg/l và coliforms là 8.167 MNP/100ml, Sông Hậu có BOD là 5,5mg/l, SS là 91,5mg/l, amoniac0,21mg/l, coliforms là 55.483MNP/100ml. Ở Long An sông Vàm Cỏ Đông có BOD là 10mg/l, amoniac là 0,364mg/l, SS là 16mg/l, sắt là 0,461mg/l, ở sông Vàm Cỏ Tây có BOD là 6mg/l, amoniac là 0,096mg/l, SS là 18mg/l, sắt là 0,447mg/l. Ở Hậu Giang trên kinh xáng chợ Phụng Hiệp có BOD là 13mg/l, N-NH3 là 0,322mg/l, SS là 120mg/l, Sắt 0,930mg/l và coliforms là 2,4.105MNP/100ml. Ở Cà Mau nước trên các cửa sông thông ra biển cũng có dấu hiệu nhiễm bẩn hữu cơ và phèn lan truyền, trên Cửa Gành Hào có BOD là 7mg/l, N-NH3 là 6,2mg/l, SS là 683mg/l, Sắt 3,25mg/l và coliforms là 930MNP/100ml., trên Cửa Ông Trang có BOD là 9mg/l, N-NH3 là 5,8mg/l, SS là 323mg/l, Sắt 0,5mg/l và coliforms là 210MNP/100ml, trên Cửa Sông Đốc có BOD là 12mg/l, N-NH3 là 1,4mg/l, SS là 46mg/l, Sắt 1,13mg/l và coliforms là 4.300MNP/100ml.

Tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng “trung tâm công nghiệp tôm cả nước”, đến tháng 9/2020 thả nuôi 130.905 ha tôm nước lợ (bằng 99,08% cùng kỳ). Trong đó, nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 18.400 ha (94,36% cùng kỳ), nuôi quảng canh cải tiến 112.505 ha (99,9% cùng kỳ). Riêng nuôi siêu thâm canh đã có 8 công ty và 331 hộ dân thả 1.228,76 ha.

Tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 8.510 ha, so với cùng kỳ tăng 48,52%, ở tất cả các hình thức nuôi. Trong đó, thiệt hại từ 30 – 70% là 4.488ha, tập trung chủ yếu ở nuôi quảng canh cải tiến; trên 70% là 4.022 ha, tập trung chủ yếu ở nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. So với tổng diện tích thả giống, tỷ lệ bị thiệt hại chiếm 6,3%; riêng thâm canh và bán thâm canh chiếm 22,2%.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng, độ mặn tăng rất cao làm các yếu tố môi trường biến động vượt mức giới hạn cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh. Riêng vùng bắc Quốc lộ IA, tôm chết nhiều trong tháng 3 – 5 và tháng 7, 8 do phần lớn người nuôi không chú trọng cải tạo, xử lý ao đầm đúng kỹ thuật, ao nuôi không giữ được mực nước cần thiết, không bố trí diện tích ao lắng trữ nước nên không chủ động được nguồn nước cấp khi cần thiết.

Trong năm 2020, Chi cục Thủy sản Bạc Liêu triển khai quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh và vùng đệm Công ty Việt Úc Bạc Liêu với tổng số tuyến kênh được chọn thu mẫu là 14 và 8 ao đại diện cho vùng nuôi. Thời gian quan trắc từ tháng 3, đến nay đã thu 113 mẫu nước kênh cấp và 64 mẫu nước ao nuôi đại diện của các vùng. “Kết quả quan trắc cho thấy: Đối với kênh cấp, các chỉ tiêu NH4+, COD, độ mặn, DO, TSS, Vibrio parahaemolyticus của 5/8 tuyến kênh thường xuyên vượt giới hạn cho phép. Đối với ao đại diện các chỉ tiêu COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus thường xuyên vượt ngưỡng cho phép”, Chi cục cho biết. Trong đó có nhiều thông số chỉ thỉ ô nhiễm hữu cơ.

Từ phân tích trên, Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: “Dự báo trong các tháng cuối năm 2020, khu vực ĐBSCL bước vào giai đoạn mưa, lũ, khả năng mật độ bão hoạt động trên khu vực Biển Đông gia tăng so với các tháng đầu năm. Trong thời gian mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về lớn, mang theo nhiều vật chất hữu cơ, rác và các chất thải khác từ nhà máy, sinh hoạt của cộng đồng, thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng chảy ra sông… làm nguồn nước bị ô nhiễm, gây biến động các yếu tố môi trường ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi”.

Minh Châu

Bài liên quan
  • ĐBSCL sớm chủ động chống hạn, mặn vùng chuyên canh cây ăn quả
    Moitruong.net.vn – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chủ lực của nước ta với 14 loại cây chính như xoài, thanh long, sầu riêng, chuối, cam, nhãn…  Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 – 2020 đang diễn biến phức tạp khiến người trồng đối mặt với nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo ô nhiễm hữu cơ nuôi thủy sản ở ĐBSCL