Cây cao su, cà phê được tính vào tỉ lệ che phủ rừng không?

Ngọc Ánh|19/11/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) khẳng định, cây hồ tiêu, cà phê không được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. Cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho rằng, hiện nay cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, cây tiêu, cây cà phê không được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

Trước đó, tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tổng diện tích rừng của nước ta đã tăng từ 9 triệu ha (năm 1990) lên tới hơn 14 triệu ha vào thời điểm hiện nay, đây là con số đáng phấn khởi. Hệ số che phủ rừng gần 42%, cao hơn bình quân thế giới (29%).

Tuy nhiên, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp phản biện “có gì đó sai sai”.

“Ít nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi kỳ họp chúng ta đều liên tục được nghe có thêm những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và đó đều là rừng tự nhiên.

Như thế, làm gì có chuyện diện tích rừng tự nhiên lại tăng lên được? Thực tế thì cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng”, ĐB Ksor H’Bơ Khăp nói và nhấn mạnh, không thể tính như vậy được.

Tuy nhiên, trong báo cáo về độ che phủ rừng giai đoạn 2011 – 2019, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) khẳng định, Luật lâm nghiệp năm 2017 quy định rừng là một hệ sinh thái, thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa… và diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên, độ tàn che từ 0,1 trở lên.

Cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỉ lệ che phủ rừng

Về tiêu chí xác định rừng, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định cây hạt tiêu, cây cà phê không được tính tỉ lệ che phủ rừng. Còn cây cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, từ năm 2017 đến nay các bộ, ngành Trung ương và địa phương rà soát chặt chẽ với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích đề nghị là 183.740ha, trong đó rừng tự nhiên 39.133ha, rừng trồng 74.242ha, còn lại là đất chưa có rừng và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án theo đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường và dự án quốc phòng, an ninh đối với 133 dự án với diện tích 3.325ha. Trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.

Theo đó, từ năm 2011 – 2019, diện tích rừng tăng hơn 1 triệu đồng, từ hơn 13,5 triệu ha năm 2011 lên hơn 14,6 triệu ha vào năm 2019, trung bình mỗi năm tăng 121.684 ha rừng.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng tương ứng là 2,19%, từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% vào năm 2019, bình quân mỗi năm tỷ lệ che phủ rừng tăng 0,24%.

Cũng theo thống kê giai đoạn 2011 – 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 22.800 ha (do cháy rừng 13.717 ha, phá rừng 9.073 ha).

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng vẫn còn một số tồn tại như tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra, còn điểm nóng về phá rừng.

Nguyên nhân là do tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi, người dân phá rừng để lấy đất trồng rừng, chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý. Chính quyền cơ sở ở một số nơi còn thiếu kiên quyết để ngăn chặn việc phá rừng.

Ngọc Ánh

Bài liên quan
  • Nâng cao năng lực ứng phó rủi ro thiên tai tại Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Sáng 17/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tổ chức hội thảo về Đẩy mạnh quá trình phục hồi bao trùm và Nâng cao năng lực ứng phó rủi ro thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cây cao su, cà phê được tính vào tỉ lệ che phủ rừng không?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.