Cây xanh đô thị tại Việt Nam – Bài 3: Giải pháp tăng màu xanh cho đô thị

Hoàng Dương|25/09/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong những năm vừa qua, tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh ở các đô thị lớn của Việt Nam tương đối thấp. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Nghiên cứu các giống cây trồng phù hợp

Cây xanh là tiêu chuẩn của một đô thị văn minh. Có thể khẳng định rằng, không một đô thị nào thiếu vắng cây xanh nhưng cây xanh ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mực.

Để tăng cường quản lý cây xanh đô thị từ khâu trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh, cần phải có quy định cụ thể về việc cấp phép đối với chặt hạ, dịch chuyển cây xanh. Đồng thời phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn. Những vùng vành đai thành phố trước kia bao gồm vườn cây, vườn rau, bãi cỏ nay đã được thay thế bằng những dãy nhà liên tiếp, hiện đại hơn, bề thế hơn và cũng ngột ngạt hơn.

Để tăng cường quản lý cây xanh đô thị từ khâu trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh, cần phải có quy định cụ thể về việc cấp phép đối với chặt hạ, dịch chuyển cây xanh

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong cải thiện các đặc điểm sinh thái (học) của một số loài cây có vai trò trong hình thành không gian kiến trúc cảnh quan, cải tạo môi trường đô thị nhưng đang chịu sức ép về vấn đề biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường như ngày nay. Từ đó nghiên cứu và lai tạo ra các giống mới vừa giữ được những ưu điểm của chúng đối với môi trường sinh thái và thẩm mỹ không gian kiến trúc cảnh quan, nhưng đồng thời cải thiện khả năng thích ứng của chúng sự biến đổi của yếu tố môi trường và thời tiết.

Nghiên cứu thử nghiệm, trồng bổ sung một số loài cây mới (cây từ tự nhiên và cây nhập nội) theo quy trình cụ thể và nghiêm ngặt nhằm tìm ra những loài cây phù hợp với các điểu kiện mới; cây cần được tạo tán từ vườn ươm từ 5-10 năm để đảm bảo thích ứng với mọi điều kiện thời tiết. Có thể trồng thử mỗi nằm một vài loài cây mới tại các khu vực đặc trưng khác nhau về môi trường, điều kiện tự nhiên (nước ngầm, ô nhiễm…), không gian kiến trúc cảnh quan để lựa chọn các loài phù hợp trước khi trồng đại trà.

Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng, đòi hỏi các nhà chuyên môn cần nghiên cứu giá trị sinh thái cây xanh đô thị; khả năng hấp thụ chất ô nhiễm môi trường của từng loài cây xanh với các chất độc hại có trong đó… góp phần hình thành các không gian cảnh quan mang lại giá trị thẩm mỹ và môi trường. Sự đa dạng của thành phần loài góp phần đa dạng sinh học cho môi trường đô thị và cũng góp phần nâng cao tính ổn định và hạn chế rủi ro về dịch bệnh của hệ sinh thái đô thị (đa dạng sinh học bao gồm cả phát triển các loài sinh vật mang vai trò thiên địch đối với các loài sâu bệnh hại đô thị ví dụ như: cóc, ếch, kiến và bọ ngựa).

Thiếu cây xanh tưởng như chuyện nhỏ nhưng cư dân thành phố sẽ thấy ngay hiệu quả khi ra khỏi thành phố và hướng về các vùng ngoại ô có nhiều cây xanh bóng mát. Khi đó, người dân sẽ có cảm giác mát mẻ, thoải mái và cảm nhận rõ tầm quan trọng của cây xanh với quy hoạch đô thị. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện nay cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành, tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.

Nhà nước và Nhân dân cùng chung tay

Cây xanh là phục vụ lợi ích công cộng nên đương nhiên là phải cần đến ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng và quản lý. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hàng năm thì rất khó đạt kết quả mong muốn.

Để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước. Quản lý cây xanh cần phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Công tác khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong và ngoài khuôn viên ngôi nhà của mình cũng rất hữu ích, góp phần xanh hóa thành phố.

Để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước

Còn những ngôi nhà trong đô thị dường như hiếm thấy nhà nào có chỗ cho cây trồng, cùng lắm là một vài kiểng cây cảnh đơn lẻ và ai cũng cố gắng tận dụng đất để xây nhà ở cho rộng hơn. Đô thị ngày càng phát triển, môi trường ngày càng ô nhiễm thì cây xanh càng khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống con người và là yếu tố quan trọng giúp đô thị phát triển bền vững. Theo nguyên tắc quy hoạch, mỗi công trình phải dành ít nhất 20% diện tích cho cây xanh, nhưng trong tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay, diện tích này cũng bị xà xẻo.

Với kinh nghiệm từ những nước như Singapore, Malaysia… thì việc cây xanh là việc của toàn thể người dân ở đô thị. Người dân có ý thức thực sự trong việc phát triển cây xanh ở chính nơi họ sinh sống, làm việc. Họ ý thức được rằng điều này có được lợi ích cho chính bản thân họ và cho cộng đồng.

Tuyên truyền và vận động người dân trồng cây xanh theo định hướng quy hoạch chung và các hồ sơ thiết kế cảnh quan cây xanh đường phố cho các vị trí trồng cây xanh trước cửa nhà cũng là giải pháp nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân, đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong việc đầu tư hạ tầng cây xanh ở quy mô lớn cần gắn giữa lợi ích các bên. Giải pháp đổi đất lấy hạ tầng (xanh) hay cơ chế về lợi ích của các bên tham gia đầu tư cây xanh rõ ràng sẽ góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị từ nguồn lực ngoài nhà nước.

Vấn đề phát triển cây xanh tại các đô thị hiện nay vẫn đang bộc lộ nhiều tồn tại. Sự phát triển nhanh của các đô thị khiến cho hầu hết các nhà đầu tư sao nhãng đi việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian mở… Nguyên nhân nào dẫn đến tính trạng trên, có lẽ đó chính là thiếu nguồn lực cho sự phát triển cây xanh. Hầu hết, nguồn lực chủ yếu là dựa vào ngân sách Nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia.

Một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có chi phí đầu tư cho cây xanh tương đối cao hơn, các đô thị còn lại hầu như được đầu tư với chi phí rất thấp. Việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây vẫn diễn ra thường ngày. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh. Thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến.

Việc xã hội hoá phát triển cây xanh cho đô thị cũng là một hướng đi cần phải nhân rộng. Ví dụ như tại Hà Nội, một số dự án nhà ở đang là một điển hình tốt cho một khu đô thị xanh. Tại đó, chủ đầu tư đã đưa ra một bài toán đúng khi quyết định xây dựng một khu đô thị xanh, được nghiên cứu, quy hoạch với diện tích cây xanh, mặt nước chiếm tỷ lệ cao…

Hoàng Dương

Bài liên quan
  • Cây xanh đô thị tại Việt Nam – Bài 2: Vì sao đô thị thiếu màu xanh?
    Moitruong.net.vn – Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay việc trồng cây xanh ở đô thị nước ta còn rất ít và chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có những vành đai xanh để bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cây xanh đô thị tại Việt Nam – Bài 3: Giải pháp tăng màu xanh cho đô thị
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.