Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép – Bài 2: Tại sao “cát tặc” lộng hành?

Tuấn Kiệt|15/04/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hầu hết chuyên gia và người dân cho rằng quản lý yếu kém là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “cát tặc” lộng hành như thời gian qua và những hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp.

Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông luôn là vấn đề phức tạp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thường xuyên tái diễn.

Vì sao người dân không nghi ngờ?

Theo Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM): “Liên quan đến trách nhiệm giải quyết dứt điểm việc khai thác cát trái phép, theo tôi là chuyện không khó. Bởi lẽ việc hút cát lậu diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, một ghe hút cát có trang bị máy hút, vòi, sào… rất dễ nhận biết và phân biệt với các loại ghe khác”.

“Trong khi đó, hệ thống chính quyền và các lực lượng chức năng được tổ chức đến tận tổ dân phố, thôn, xóm, ấp và còn rất nhiều chân rết, tai mắt trong dân. Với lực lượng như vậy, nói chính quyền không biết là không thể chấp nhận. Nếu một ghe hút cát trái phép xuất hiện, người dân báo liền, 30 phút sau lực lượng chức năng có mặt, chốt chặn… thì ghe cát sẽ không hút được. Chừng vài tháng canh chặt chẽ là người đi hút cát không có sản phẩm, chủ không trả công thì họ sẽ nản, chuyển sang làm công việc khác. Mấu chốt của vấn đề là cơ quan chức năng phải quyết liệt ngăn chặn kịp thời”, Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM).

Người dân phường Long Phước (Q.9, TP.HCM) cắm hàng trăm cọc dừa ngăn hút trộm cát, nhưng vẫn không ngăn được “cát tặc” (ảnh chụp tháng 4-2015) – Ảnh: Hữu Khoa

Còn ông T.V.D (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) bức xúc nói, những ghe hút cát lậu hoạt động ngày càng táo tợn và manh động. Những ngày nước ròng, mực nước xuống thấp thì các ghe ít hoạt động, chờ ngày nước lớn mấp mé bờ đất, ghe chạy sát bờ, đưa ống hút vào tận chân đất của dân để hút cát.

Ông T.V.D chia sẻ: “Người dân chúng tôi chứng kiến ghe hút cát hằng ngày như vậy, đất bị sạt lở cả sào (1.000m2) nhưng không thể đuổi ghe đi được bởi những người hút cát sẵn sàng đánh trả thù. Nhiều người dân ở xã mất đất, gửi đơn lên xã, lên huyện nhưng không ai giải quyết”.

Mỗi đợt ra quân các lực lượng cũng bắt được vài chiếc, nhưng sau đó như bắt cóc bỏ đĩa, những người hút cát lại sắm ghe mới hoạt động rầm rộ hơn. Ngày nào có đoàn kiểm tra, truy bắt của tỉnh thì tự nhiên các ghe này nghỉ. Nếu không có người báo, không có người bảo kê, bao che thì làm sao có chuyện này xảy ra. Trong khi đó bãi cát mà các ghe hút cát lậu đưa lên cũng nằm trong xã, cách khu vực hút cát chừng 1km, xe tải chạy ra chạy vô mua cát hằng ngày. Vậy mà không ai nói gì hết, ông T.V.D nói thêm.

Muốn chấm dứt nạn “cát tặc” thì phải có biện pháp quy trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo đứng đầu địa phương. Bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền tại địa phương không thể nói không biết. Và thực tế như người dân chia sẻ, biết mà không ai giải quyết.

Tàu khai thác cát trái phép bị tạm giữ. Ảnh: Người Lao Động

Tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi

Các Bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc quản lý khai thác cát, sỏi nhưng vẫn còn một số tồn tại chủ yếu, đặc biệt kể đến tình trạng mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa cát, sỏi khai thác trái phép.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, ở không ít địa phương vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn trong khi việc cấp phép khai thác cát bị hạn chế.

Các đối tượng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông được hưởng lợi nhuận lớn nên cố tình vi phạm, hành vi diễn ra dưới nước với nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng (khai thác vào ban đêm, gần sáng, tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra) gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.

Một số chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý đê điều thậm chí còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm một cách cương quyết, dứt điểm. Nhiều nơi chính quyền địa phương các cấp ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết vi phạm khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.

Nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi xây dựng chưa tuân thủ quy định trong Giấy phép được cấp (thời hạn cấp phép, công suất khai thác, vị trí khai thác), chấp hành không đúng các quy định của pháp luật có liên quan dẫn đến tình trạng sạt lở, biến đổi dòng chảy, mất an toàn giao thông đường thủy…

Đặc biệt, việc mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa chứng từ mua bán cát, sỏi xây dựng khai thác trái phép diễn ra phổ biến góp phần làm gia tăng tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi không phép.

Quy định trách nhiệm cụ thể trong quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông

Để quản lý việc khai thác cát, sỏi lòng sông, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ cơ chế phối hợp và quy định trách nhiệm cụ thể, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những địa phương buông lỏng quản lý, khai thác lậu còn xảy ra ở nhiều nơi…

Trách nhiệm của các địa phương được quy định trong nhiều văn bản, luật

Do lợi nhuận rất lớn nên các tổ chức, cá nhân bất chấp để vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông và hệ quả không chỉ gây ra tác hại rất lớn cho môi trường, thất thoát rất lớn tài nguyên, nguồn thu ngân sách mà còn làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đất đai, mất đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở lưu vực sông.

Ngoài Luật Khoáng sản, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước và các luật liên quan, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23/2020 quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ bờ, bãi sông, lòng sông, xác định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, UBND địa phương.

Cụ thể, ngày 24/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nội dung Nghị định thể chế hóa 5 chính sách quan trọng, trong đó, có 2 chính sách liên quan đến trách nhiệm là: quản lý cát, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; Quản lý, cấp phép, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông phải gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính.

Ngoài ra, Chính phủ đã bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép lên 2 – 3 lần trong Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ TN&MT tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi…

Trước đó, Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Quy định trách nhiệm cụ thể trong quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông về các địa phương, người đứng đầu địa phương

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Thực tế cho thấy, khi các Bộ, ngành và cơ quan chức năng kiên quyết, đều có thể xử lý tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi lòng sông. Bằng chứng mới đây nhất là vào cuối tháng 10/2021, Bộ Công an đã bắt quả tang 24 tàu hút cát, khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn qua địa phận 3 huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Lão thuộc TP. Hải Phòng.

Tuy nhiên, vụ việc này khiến dư luận băn khoăn, tại sao những vấn đề sai phạm của địa phương mà phải trên Bộ xuống mới xử lý được và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu?

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, để quản lý tốt hơn việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương, các Bộ liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản. Đến nay đã có hàng chục tỉnh, thành phố ký kết quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Dẫn chứng về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông trên địa bàn TP. Hà Nội – nơi tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, đại diện trên cho rằng, để xử lý triệt để các vụ khai thác khoáng sản trái phép, Công an TP. Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp tổ chức tập huấn về công tác phát hiện, xử lý vi phạm cho các đối tượng liên quan. Việc phối hợp xử lý vi phạm cần chặt chẽ, thường xuyên hơn, bao gồm cả thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho hay, quá trình thực hiện xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do trong quá trình truy bắt, đối tượng luôn chạy sang địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác. Do đó, phải xây dựng cơ chế phối hợp xử lý cụ thể. Theo đó, UBND thành phố, cần báo cáo giao Bộ Công an thành lập Đoàn kiểm tra, trong đó có sự tham gia của lực lượng công tác các tỉnh, thành.

Đại diện này cũng đề xuất, về lâu dài, để từng bước hạn chế, giảm thiểu việc khai thác cát, sỏi lòng sông, cần khuyến khích cơ chế, chính sách nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông bằng nguyên liệu khác đang có tiềm năng của chính nước ta.

Tuấn Kiệt

Bài liên quan
  • Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép – Bài 1: Nhức nhối vấn nạn
    Moitruong.net.vn – Tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông từ lâu đã vô hình chung trở thành thực trạng ở nhiều địa phương từ Bắc tới Nam. Việc khai thác cát trái phép trong thời gian qua đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, đe doạ các công trình, tác động xấu tới môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép – Bài 2: Tại sao “cát tặc” lộng hành?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.