Nguồn nước ngọt được cải thiện
Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ở giữa trùng khơi. Nơi ấy, các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm không ngại gian khó, bám trụ bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trước đây, cuộc sống của các chiến sĩ và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với nguồn nước ngọt phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, vào mùa khô, nước ngọt ở nơi đây càng trở nên khan hiếm, nguồn nước dự trữ không đủ dùng cho sinh hoạt của các chiến sĩ mà phải nhờ sự tiếp tế từ đất liền.
Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các mạnh thường quân và nhân dân cả nước trong việc tìm kiếm thêm nguồn nước ngọt, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa đã yên tâm sinh sống và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống bể chứa nước mưa, thì hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt bằng công nghệ RO đã được đầu tư và chuyển giao cho các đảo và Nhà giàn DK. Từ đây “bài toán khó” về nguồn nước ngọt cơ bản được giải quyết, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống cho quân và dân trên đảo ở Trường Sa.
Đại úy Bùi Quỳnh Lâm - Chỉ huy đảo Len Đao chia sẻ: “Từ khi được Nhà nước đầu tư hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt bằng công nghệ RO, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ trên đảo được cải thiện rất nhiều, không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Có nguồn nước ngọt dồi dào hơn nên hoạt động tăng gia, sản xuất cũng phát triển mạnh, đảm bảo một phần về thực phẩm, rau xanh cho cán bộ chiến sĩ trên đảo”.
Cũng theo Đại úy Bùi Quỳnh Lâm, hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt của đảo bình quân cứ một giờ lọc được một khối nước. Đảo đã xây bể chứa trong nhà để chứa nước sau khi lọc, phục vụ đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trên đảo. Nước biển sau khi qua hệ thống lọc trở thành nước ngọt và có thể uống trực tiếp.
Đảo Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất của huyện đảo Trường Sa, ngoài việc luôn phải đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ quân và dân trên đảo thì đảo còn là nơi lưu trữ nước phục vụ cho một số đảo bị thiếu nước và bà con ngư dân bám biển.
Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Hiện tại, hệ thống nước sạch trên đảo chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa, máy lọc nước biển thành nước ngọt và giếng khơi, tuy nhiên giếng khơi nước có độ mặn vượt tiêu chuẩn (nước lợ) nên không sử dụng ăn uống được mà chỉ phục vụ cho tắm giặt. Đặc biệt, từ khi đảo được đầu tư hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, thì nguồn nước ngọt lại trở nên dồi dào hơn, các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo còn có điều kiện tăng gia sản xuất và hỗ trợ, cung cấp nước cho các tàu bè và ngư dân bám biển, đánh bắt cá khu vực quần đảo Trường Sa”.
Chắt chiu từng giọt nước để tăng màu xanh cho đảo
Trong hải trình 6 ngày 5 đêm với khoảng cách gần 1.000 hải lý, tàu KN-290 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đã đưa đoàn công tác đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, Đá Tây C, Trường Sa và Nhà giàn DK1/11. Điều khiến tất cả thành viên trong đoàn vô cùng ngạc nhiên và thán phục, đó là đi đến điểm đảo và Nhà giàn DK nào thì nơi đó cũng đều có vườn rau xanh tươi tốt, trong khi nguồn nước ngọt tại nơi đây lại không được dồi dào. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Ở trên các đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn giữa trùng khơi, điều kiện thì thiếu thốn làm sao mà cây xanh, rau xanh lại tươi tốt như vậy?.
Qua tìm hiểu thì được biết, để có được vườn rau xanh tươi tốt như vậy, các cán bộ chiến sĩ nơi đây phải chắt chiu từng giọt nước, tận thu từ nước mưa, nước tắm rửa, nước vo gạo, nước rửa rau, thực phẩm để sử dụng cho việc tưới rau.
Thiếu tá Nguyễn Văn Lý - Chỉ huy đảo Đá Tây C cũng không giấu được niềm tự hào khi trên đảo luôn được đảm bảo nguồn nước sạch, anh chia sẻ: “Mặc dù nguồn nước ngọt hiện đã được cải thiện hơn và không khan hiếm so với trước đây nhưng vẫn phải tiết kiệm. Sau khi tắm rửa, nước ngọt được hứng lại, tận dụng để tưới cây, rau xanh, tăng gia sản xuất. Đồng thời làm mái che cho vườn rau để hạn chế tối đa việc nước ngọt bị bay hơi trong những ngày nắng gắt”.
“Vườn rau sạch của chúng tôi lúc nào cũng xanh tốt, ngoài ra chúng tôi còn trồng được cây ăn quả như đu đủ. Quả đu đủ trồng ở đây to và ngọt không khác gì trong đất liền”, Thiếu tá Nguyễn Văn Lý tươi cười khoe với các thành viên trong đoàn.
Binh nhất Hồ Chí Sự tại đảo Len Đao chia sẻ: “Em mới ra đảo công tác được gần 1 năm, nhưng ở đây chúng em được các thủ trưởng rất quan tâm. Chúng em cũng thường xuyên được nhắc nhở và hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả. Trên đảo bố trí được 02 khu vực trồng rau xanh để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Chúng em phải chắt chiu từng giọt nước từ nước vo gạo, nước rửa rau để tận thu lại dùng cho tưới rau xanh”.
“Các anh thấy đấy, rau trên đảo của chúng em xanh mướt như vậy là các anh biết chúng em yêu quý từng luống rau, từng cây xanh như thế nào. Rau xanh ở đây chúng em gần như tự chủ được cho sinh hoạt hàng ngày”, Binh nhất Hồ Chí Sự tươi cười nói.
Tại Nhà giàn DK1/11, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn dành khoảng hơn 40m² làm vườn rau để cải thiện bữa ăn sinh hoạt hàng ngày. Các loại rau được trồng ở đây rất đa dạng, chúng tôi đếm sơ sơ cũng được khoảng 10 loại.
Các cán bộ chiến sĩ tại Nhà giàn DK1/11 chia sẻ, do điều kiện ngoài này rất thiếu thốn rau xanh, không thuận tiện như trong đất liền. Để đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho các cán bộ chiến sĩ, Chỉ huy cùng anh em Nhà giàn tích cực trồng rau xanh. Mọi người đã tận dụng tối đa các thiết bị để chứa nước mỗi khi có mưa dùng làm nước tưới rau. Hàng ngày, các cán bộ chiến sĩ Nhà giàn tận dụng nước tắm rửa để tưới cây. Việc tưới rau ở đây cũng phải khoa học để đảm bảo làm sao không lãng phí nước và vẫn đảm bảo rau sinh trưởng phát triển tốt.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, cuộc sống của cán bộ chiến sỹ, nhân dân huyện đảo Trường Sa ngày một cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề nước ngọt vẫn cần sự chung tay của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước hỗ trợ đầu tư các dự án, thiết bị để nguồn nước ngọt được dồi dào, qua đó tạo điều kiện cho quân và dân nơi đây yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.