Châu Á chuẩn bị đón mùa hè “điên rồ” nhất trong lịch sử

Thanh Thanh|05/05/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dù vẫn đang là mùa xuân nhưng hàng trăm triệu người trên khắp Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đã phải đối mặt với nhiệt độ nóng như thiêu đốt. Các chuyên gia nhận định, mùa hè 2024 sẽ là "sự kiện khắc nghiệt nhất" trong lịch sử khí hậu.

Nắng nóng khắc nghiệt

Bước sang tháng 5, nhiều quốc gia châu Á đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt. 

Theo bà Celeste Saulo - Tổng Thư ký WMO (Tổ chức Khí tượng Thế giới), tác động của các đợt nắng nóng ở châu Á ngày một trở nên nghiêm trọng hơn. Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ năm 2023 cao hơn gần 2 độ C so với mức trung bình từ năm 1961 đến năm 1990. Trong 4 tháng đầu năm 2024, nền nhiệt tiếp tục tăng so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, tín hiệu rõ ràng về một mùa hè dữ dội.

Đối với khu vực Đông Nam Á, trong suốt tháng 4 vừa qua, nắng nóng bao trùm nhiều quốc gia và dự báo sẽ kéo dài. 

Theo Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera thì Đông Nam Á là nơi sinh sống của hơn 675 triệu người tại 11 quốc gia sẽ là nơi chịu tác động rõ rệt nhất của nắng nóng ở mức độ có thể chưa từng thấy.

"Chúng tôi nghĩ rằng nhiệt độ mùa hè năm 2023 đã là đỉnh. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong tháng 4/2024 đã cho thấy những tháng cao điểm mùa hè sắp tới còn dữ dội hơn. Đáng tiếc xu hướng này là không thể tránh khỏi. Khu vực Đông Nam Á phải chuẩn bị cho đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài hầu như cả tháng 5” - tiến sĩ Herrera nói, đồng thời cho biết nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á đã tăng lên mỗi thập niên kể từ năm 1960. Một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất là nó lan rộng, kéo dài và không thấy hồi kết.

Ông cũng khẳng định thêm: “Hàng nghìn kỷ lục đang bị phá hủy trên khắp châu Á, đây là sự kiện khắc nghiệt nhất trong lịch sử khí hậu thế giới”.

Ghi nhận thực tế tại Đông Nam Á, Thái Lan chính là quốc gia nóng nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay. Chính quyền đã buộc phải liên tục ra khuyến cáo người dân cẩn thận trước nguy cơ sốc nhiệt. 

Cục trưởng Cục Sức khỏe (Bộ Y tế công cộng Thái Lan) - Bà Achara Nithiaphinyasakul cho biết, nắng nóng cực đoan sẽ còn kéo dài tại nước này, vì thế người dân cần đặc biệt lưu ý tự bảo vệ sức khỏe.

Tính đến hết tháng 4/2024, có 15/76 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương của Thái Lan luôn ở trong tình trạng nhiệt độ trên dưới 40 độ C (khung giờ cao điểm). Theo tờ The National, Thái Lan có hệ thống 4 cấp độ màu để báo động nắng nóng, trong đó cấp đỏ là mức cực kỳ nguy hiểm khi nhiệt độ ngoài đường lên 50 độ C.

thailan-nangnong-moitruongnet.png
Chính phủ Thái Lan mới đây đã phát cảnh báo về thời tiết nắng nóng như thiêu đốt trên cả nước

Thái Lan đã ghi nhận 131 ca tử vong vì sốc nhiệt trong giai đoạn 2019-2023, trung bình 26 ca mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi và lao động phổ thông.

Tại Malaysia, chính quyền đã phải sử dụng công nghệ gây mưa nhân tạo cho những vùng khô hạn nhất, nơi ghi nhận có người đã chết vì say nắng. Nắng nóng kéo dài dẫn đến 300 vụ cháy tại các trang trại, đồn điền và những vạt rừng tại vùng Sabah trên đảo Borneo. 

screenshot-2024-05-05-090442.png
Nhiều nơi tại Malaysia ghi nhận có người đã chết vì say nắng

Còn ở quốc đảo Sư tử Singapore, nhiều trường học đã yêu cầu học sinh mặc đồ tập thể dục rộng rãi, mát mẻ hơn. 

Tương tự, hàng trăm trường học ở Philippines, kể cả các trường học ở thủ đô Manila cũng từng phải cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ lên đến mức không thể chịu nổi.

Đi tìm nguyên nhân

Các nhà khoa học đã đưa ra những quan điểm khác nhau về tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đang diễn ra. Nhiều người tin rằng sự nóng lên tạm thời ở trung tâm Thái Bình Dương đã làm thay đổi các kiểu thời tiết trên toàn thế giới trong nhiều năm. Điều này đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong mùa hè năm nay ở Nam và Đông Nam Á.

Giáo sư Raghu Murtugudde, nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Ấn Độ Mumbai nhận định: "Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa El Nino, hiện tượng nóng lên toàn cầu và tính thời vụ. El Nino đang chuyển thành La Nina. Đây là thời điểm mà sự nóng lên tối đa xảy ra ở Ấn Độ Dương".

Nhà khoa học khí hậu Ấn Độ cũng lưu ý rằng hiện tượng El Nino đã được hình thành từ tháng 3/2023 nên các đợt nắng nóng năm ngoái cũng là do sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu, El Nino và chu kỳ hàng năm, nhưng ông cho biết năm nay còn tồi tệ hơn do sự dịch chuyển sang La Nina.

Tuy nhiên, không phải tất cả nhà khoa học khí hậu đều đồng ý về tác động của El Nino.

Giáo sư Krishna AchutaRao, nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Khí quyển của Viện Công nghệ Ấn Độ, Delhi, cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến các đợt nắng nóng vào năm ngoái và nguyên nhân không phải do El Nino".

Năm ngoái, các đợt nắng nóng nghiêm trọng đã giết chết hơn 100 người chỉ riêng ở Ấn Độ và Pakistan trong tháng 4 và tháng 5, một lần nữa phá hủy mùa màng và ảnh hưởng đến hàng triệu người.

"Giống như năm nay, năm ngoái đợt nắng nóng kéo dài từ các vùng của Ấn Độ đến Bangladesh và Myanmar, rồi đến tận Thái Lan. Năm nay nó lan xa hơn về phía đông, đến Philippines. Tôi không tin El Nino là nguyên nhân", AchutaRao nói.

Mặc dù vậy, hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính gây ra đợt nắng nóng tàn khốc đang tấn công châu Á.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Á chuẩn bị đón mùa hè “điên rồ” nhất trong lịch sử