Chế độ ăn uống để phòng bệnh sỏi thận tiết niệu

Minh Anh (T/h)|25/10/2019 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu là do trong nước tiểu có chứa quá nhiều các chất oxalat, canxi, axit uric… không thể hòa tan, tạo thành sỏi.

Đối với chế độ ăn phòng ngừa sỏi thận tiết niệu thì nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo bữa ăn đa dạng, trên 15 loại thực phẩm trong 8 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn; Không lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn như thịt hộp, thịt đỏ, quá nhiều chất béo; Không nên ăn mặn, dư thừa natri dễ tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận, tạo nước tiểu khó hơn, dễ ứ đọng tạo sỏi thận; Nên hạn chế chất kích thích như trà, cà phê, rượu vì không tốt cho sức khỏe của thận; Không lạm dụng đường đơn, đường đôi vì hệ thống điều hòa đường huyết không tốt, rối loạn glucose… ảnh hưởng chức năng thận.

Trên thực tế, chế độ ăn đủ rau, hiện nay mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu về rau, do vậy cần ăn 400g rau/người/ngày thiên về xu hướng kiềm hơn để bớt lắng đọng, tạo sỏi thận; Uống đủ 400ml nước cho 10kg trọng lượng/ngày. Bên cạnh đó, cần thường xuyên vận động thể dục thể thao từ 30-45 phút/ngày và 5 ngày/tuần, nhằm giảm cơ hội lắng đọng chất khoáng tạo sỏi thận.

Uống nhiều nước

Bản chất của sỏi tiết niệu là do cơ thể mất nước, tiểu ít, nước tiểu quá đặc. Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu, nước tiểu sẽ được pha loãng, nồng độ các chất canxi, oxalat… trong nước tiểu sẽ giảm đi, giúp ích cho quá trình điều trị bệnh và ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát. Người bị sỏi tiết niệu nên uống khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày nhằm tăng lượng nước tiểu lên trên 2,5 lít.

Ngoài nước lọc, người bệnh nên uống thêm các loại nước lợi tiểu, thanh mát như: nước râu ngô, nước rễ cỏ tranh, nước bông mã đề… Rất nhiều người bị sỏi tiết niệu tái phát do không uống đủ nước hàng ngày.

Tùy theo tình hình thời tiết có thể tăng hoặc giảm lượng nước uống hàng ngày. Nếu trời nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, người bệnh nên tăng lượng nước lên 3 – 4 lít. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc mà cần chia đều vào các thời điểm trong ngày. Trước khi đi ngủ và ngay sau khi thức dậy nên uống 1 cốc nước đầy để pha loãng nước tiểu tích trữ cả đêm.

Lưu ý, không được uống các loại nước có chứa muối, sẽ làm tăng các chất tạo sỏi trong nước tiểu.

Ăn uống điều độ, đủ bữa

Ăn uống không điều độ, bỏ bữa là một trong những nguyên nhân khiến sỏi tiết niệu tái phát. Nhiều người bị bệnh do thói quen chỉ ăn 1 bữa chính trong ngày, bỏ bữa sáng, ăn nhiều vào bữa tối. Việc ăn quá nhiều chất bổ, đạm, chất khoáng vào bữa tối, sau đó đi ngủ khiến cơ thể tích trữ quá nhiều và quá lâu các chất tạo sỏi, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nên ăn đầy đủ 3 bữa trong ngày, cân bằng các chất dinh dưỡng hợp lý, không ăn quá nhiều muối và quá nhiều chất đạm. Bữa ăn cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm cần thiết cho cơ thể như: tinh bột, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả, sữa, chất béo…

Người bị sỏi tiết niệu nên ăn nhiều các thức ăn chứa citrate, potassium và magnesium như: ngũ cốc, đậu, nước chanh, nước cam, rau xanh…

Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít đường

Rau củ quả cung cấp rất nhiều vitamin, chất xơ cho cơ thể. Ngoài ra, rau xanh còn giúp giảm độ mặn trong thực phẩm, cân bằng lượng đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cần bổ sung nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít đường trong chế độ ăn của người bị sỏi tiết niệu. Hạn chế ăn các loại hoa quả nhiều đường như: xoài, na, chuối…

Ăn nhạt

Muối là tác nhân gây tăng các chất tạo sỏi trong nước tiểu. Ngoài ra, natri trong muối còn cản trở quá trình đào thải canxi, oxalat, axit uric… Rất nhiều người bị sỏi tiết niệu do thói quen ăn mặn. Để điều trị và ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát người bệnh nên ăn nhạt, hạn chế tối đa lượng muối trong bữa ăn hàng ngày. Mỗi ngày không quá 8gr muối và phải chia đều trong các bữa ăn. Nên sử dụng các loại thực phẩm có mùi vị như các loại rau thơm, dứa, lá thơm, hành… để thức ăn vẫn thơm ngon ngay cả khi nêm nhạt.

Nếu ăn quá mặn, thận sẽ phải làm việc liên tục để đào thải lượng muối thừa ra khỏi cơ thể. Lâu ngày sẽ làm thận yếu đi, tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận. Ngoài ra, muối cũng là tác nhân gây các bệnh tim mạch, huyết áp. Ăn nhạt vừa giúp ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát, vừa bảo vệ sức khỏe cho bạn và người thân trong gia đình.

Ăn kiêng theo từng loại sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu có nhiều loại như: sỏi canxi, sỏi urat, sỏi oxalat… Với mỗi loại sỏi, người bệnh cần kiêng các loại thực phẩm chứa các chất tương ứng

Sỏi canxi: người bị sỏi canxi cần kiêng các thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, cua, các loại hải sản, socola, trai, hến, rau cần, rau diếp cá, rau xà lách, các loại đậu…

Sỏi phosphat: người bị sỏi phosphat nên kiêng sữa, các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc, gạo lứt, các loại đậu, các loại hoa quả sấy khô, cua, bào ngư, cá mòi, nội tạng động vật…

Sỏi oxalat: người bị sỏi oxalat nên kiêng nhiều loại rau củ quả, thực phẩm chứa nhiều oxalat như: dưa chuột, măng tây, củ cải đỏ, rau dền, rau muống… Kiêng một số loại hoa quả như: dâu tây, me chua…

Sỏi urat hoặc sỏi oxalat kết hợp với urat: người mắc 2 loại sỏi này cần kiêng thịt bò, thịt mỡ, các loại cá biển, nội tạng động vật, socola, tôm, tép, nấm…

Sỏi thận tiết niệu là một bệnh thường gặp, dễ gây biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận cấp hoặc mạn tính… Theo thống kê, sỏi tiết niệu chiếm 45 – 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 – 80%.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chế độ ăn uống để phòng bệnh sỏi thận tiết niệu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.