(Moitruong.net.vn) – Việt Nam là nước có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới. ĐDSH không những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội quốc gia, Đa dạng sinh học còn có vai trò quan trọng trong giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Nhiều động vật quý hiếm bị đe dọa do nạn phá rừng tự nhiên
Những bất cập trong quản lý đa dạng sinh học
Hiện ĐDSH của Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng. Các loài nguy cấp, quý, hiếm như tê giác một sừng, heo vòi, bò xám đã bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên; số lượng các loài hổ, voi, sao la, bò rừng và nhiều loài gỗ quý như pơ mu, trắc, lim, nghiến,… đang tiếp tục bị đe dọa; hệ sinh thái rừng, biển suy giảm nhanh về chất lượng; ô nhiễm và nhiễu loạn hệ sinh thái ngày càng gia tăng…
Sở dĩ có tình trạng như trên, một phần do quy định về thể chế, pháp luật chưa đồng bộ; sự phân tán, chồng chéo và thiếu tập trung của hệ thống cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về ĐDSH được xem là bất cập lớn, có thể gây ra những hệ lụy không đáng có trong công tác quản lý bảo tồn ĐDSH hiện nay.
Đặc biệt là sự thiếu thống nhất trong các Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật Thủy sản 2003 và Luật ĐDSH 2008 về việc xác định và chế độ tổ chức, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên (theo Luật ĐDSH 2008), khu rừng đặc dụng (theo Luật Bảo vệ phát triển rừng 2004) và khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa (theo Luật Thủy sản); các quy định về bảo tồn loài nguy cấp, quản lý nguồn gen…Các vấn đề này cần sớm được giải quyết trong quá trình sửa đổi các Luật này để tránh được sự chồng chéo nhằm đảm bảo sự thống nhất và tăng cường hiệu quả công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển chưa được giải quyết; Chưa cân nhắc đầy đủ các ưu tiên về bảo tồn trong các hoạt động quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội. Các công cụ để giảm thiểu ảnh hưởng của phát triển kinh tế-xã hội lên ĐDSH như đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược chưa được thực hiện đảm bảo tính khoa học. Chính vì vậy, còn nhiều hệ lụy từ các hoạt động phát triển (chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển thủy điện, ô nhiễm môi trường…) gây tổn thất cho ĐDSH. Các cơ chế bồi hoàn về ĐDSH chưa được nghiên cứu, áp dụng
Giải pháp để quản lý hiệu quả đa dạng sinh học
Cải thiện và tăng cường hiệu quả bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH ở Việt Nam chỉ có thể được thực hiện khi có các cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương bên cạnh các đầu tư và hành động can thiệp có tính hệ thống, chiến lược và nhất là sự đồng thuận đi kèm với sự tham gia đầy đủ của các bên có trách nhiệm và lợi ích liên quan.
Đặc biệt cần chú trọng đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng từ bảo tồn đa dạng sinh học để góp phần cải thiện sinh kế và xóa đói, giảm nghèo đối với cộng đồng nông thôn, miền núi, hải đảo có đời sống đang phụ thuộc vào các giá trị hữu hình, vô hình của hệ thống này.Nhà nước cần có chế tài bắt buộc các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các trang trại kinh doanh có liên quan đến thương mại sinh học chi trả dịch vụ ĐDSH và HST. Cần thiết lập các chỉ tiêu bồi hoàn ĐDSH để khắc phục hậu quả nhằm làm thay đổi tình trạng suy giảm, mất mát tài nguyên đa dạng sinh học, chỉ có người dân địa phương và nhà nước phải gánh chịu sự thiệt hại như hiện nay.
Nhà nước cần đảm bảo đủ ngân sách cho việc thực thi chiến lược bảo tồn ĐDSH Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; chú trọng đến các giải pháp thực thi nghiêm chỉnh pháp luật và tăng cường sự tham gia của cộng đồng cùng với sự phối hợp giữa các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học; coi trọng đầu tư cho sự nghiệp quản lý bảo tồn ĐDSH là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước.
Theo Monre