Chủ động ứng phó với bão số 7 và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông

BCĐTWPCTT|26/08/2017 13:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông lúc 10 giờ sáng 26/8

(Moitruong.net.vn) – Sáng 26/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm ứng phó với bão Pakhar (cơn bão số 7) đã tiến vào Biển Đông.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 26/8, vị trí tâm bão Pakhar ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 120,7 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Hiện nay, bão đã đi vào Biển Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc với tốc độ nhanh, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4h ngày 27/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 430km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 15 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 112 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Bên cạnh đó, sáng 26/8 khu vực giữa Biển Đông đã hình thành một Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 4h, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 4h ngày 27/8, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 11 đến 17 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương tại cuộc họp, bão số 7 sẽ hoạt động mạnh nhất vào khoảng từ 1h-7h sáng ngày mai (27/8), đồng thời, khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ bị hút vào hoàn lưu của bão số 7.

Do ảnh hưởng của bão số 7 sẽ gây mưa ở khu vực trung du miền núi Bắc bộ từ ngày 28 đến hết ngày 30/8, lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 300mm. Trong khi vùng núi phía Bắc đã chịu ảnh hưởng của những đợt mưa lớn những ngày qua, vì vậy, rất dễ có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị cơ quan dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin dự báo sát thực, cụ thể nhằm gửi thông tin kịp thời, chính xác đến Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

phong chong lut bao1

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Uỷ viên Thường trực BCD TWPCTT ông Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp

Về công tác ứng phó trên biển, Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài đề nghị, các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến, tình hình cơn bão, thông tin kịp thời đến các tàu thuyền để chủ động ứng phó; lưu ý các hoạt động trên các tàu nhỏ ở ven biển, hoạt động của khách du lịch khu vực áp thấp nhiệt đới, hoạt động của tàu thuyền vận tải ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Khu vực trên đất liền, Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài yêu cầu, cần chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cao ở các địa phương, đặc biệt là khu vực khai thác khoáng sản, hầm lò. Trong đó, công tác này cần triển khai quyết liệt, có văn bản cụ thể hướng dẫn các địa phương, thông qua đài phát thanh quận, huyện tuyên truyền đến người dân.

Về vấn đề hồ chứa thuỷ điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục tập trung tính toán, tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong công tác vận hành đảm bảo thiết thực, sát thực tế. Đối với các hồ chứa nước, các địa phương cần tăng cường kiểm tra các hồ chứa có khả năng mất an toàn, các hồ chứa nhỏ đã đầy nước để có giải pháp xử lý hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên tiếp tục thực hiện Công điện số 43,48 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lũ sau bão số 6 và diễn biến cơn bão số 7.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận thực hiện Công điện 49 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đối với việc ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố hạ du các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng tiếp tục triển khai nội dung thông báo số 101 ngày 24/8; số 102 ngày 25/8.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến bão số 7, tình hình mưa lũ sau bão số 6, việc xả lũ hồ chứa, công tác điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.

BCĐTWPCTT

Bài liên quan
  • Bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
    Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 9), vùng biển phía tây của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động ứng phó với bão số 7 và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.