Chủ tịch COP28 kêu gọi hành động để bảo vệ khí hậu toàn cầu

Tố Cẩm|10/03/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 6/3, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber đã nêu bật tầm quan trọng của việc thống nhất và đoàn kết trong việc giải quyết thách thức về năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Sultan Al Jaber, Chủ tịch COP28, đặc phái viên khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu ADNOC, đã nhấn mạnh vai trò cốt lõi của ngành dầu khí trong việc giải quyết các thách thức về khí hậu trong bài thuyết trình tại diễn đàn năng lượng toàn cầu CERAWeek ở thành phố Houston, bang Texas (Mỹ).

cop28.png
Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber. (Ảnh: AP)

Hội nghị COP28 dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Expo Dubai từ ngày 30/11 đến 12/12/2023. Trên cơ sở Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, COP28 dự kiến sẽ cung cấp bản đánh giá toàn diện về tiến độ đạt được liên quan các mục tiêu khí hậu, qua đó phản ánh việc thế giới đang đi chệch hướng và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hành động.

Khi được hỏi về những kỳ vọng có thể đạt được tại COP28, Tiến sĩ Al Jaber khẳng định, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng có đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và nguồn lực cần thiết để giải quyết thách thức kép của việc vừa thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững vừa cắt giảm lượng khí thải toàn cầu.

Ông cũng kêu gọi ngành dầu khí cần tăng cường giảm khí thải, thích nghi với thách thức tương lai sớm hơn và xây dựng hệ thống năng lượng cho tương lai ngay từ hôm nay.

cop28.jpg
Hoàng hôn ở Bucharest, Romania khi nhiệt độ lên tới ngưỡng 38 độ C vào mùa Hè năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch COP28 cho biết, đến năm 2030 dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 500 triệu người, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu năng lượng. Điều này có nghĩa, thế giới sẽ phải giảm 7% lượng khí thải mỗi năm để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, tức là phải giảm khoảng 43% lượng khí thải trong vòng chưa đầy 7 năm.

Cũng theo Tiến sĩ Al Jaber, ngành sản xuất năng lượng có thể mang lại thay đổi có ảnh hưởng trong thời gian ngắn nhất. Đến năm 2030, các hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo cần phải tăng gấp ba lần.

Tuy nhiên, đối với các ngành sản xuất gây nhiều ô nhiễm như nhôm, thép, xi măng…, tái tạo năng lượng được cho là không đủ. Quá trình phi carbon hóa nền kinh tế trên quy mô lớn sẽ đòi hỏi một “hệ sinh thái” phù hợp, với sự kết nối giữa chính sách, con người, công nghệ và điều kiện tài chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch COP28 kêu gọi hành động để bảo vệ khí hậu toàn cầu