Chuyên gia hiến kế ‘giải bài toán’ chất thải rắn công nghiệp

Theo VTC New|22/08/2021 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước hàng loạt mối nguy hại mang tên chất thải rắn công nghiệp (CTRCN), chuyên gia đã hiến kế để ‘giải bài toán’ bức bách này.

Trung bình ở nước ta, lượng chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) phát sinh ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm. Thực tế còn cao hơn do chưa thống kê được đầy đủ lượng CTRCN phát sinh từ các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời không bao gồm khối lượng đất, đá bóc, bùn thải từ quá trình khai thác khoáng sản.

Nhiều mối nguy

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng CTRCN phát sinh từ hoạt động làng nghề vào khoảng 14-17 tấn/ngày. Trong đó, chất thải nguy hại chiếm khoảng 15-20% lượng CTRCN gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Điển hình như làng nghề tái chế chì ở Đông Mai (tỉnh Hưng Yên), làng nghề tái chế sắt Châu Khê (tỉnh Bắc Ninh).

Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, một nguồn CTRCN khác nữa là phế liệu nhập khẩu để tái chế do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hay nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường.

Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Theo ông Thắng, mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường bị cấm nhập khẩu, song hàng năm, vẫn có lượng lớn hàng hóa các loại nhập khẩu khiến nước ta có nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đó, Tổng cục Môi trường nhận định, CTRCN nếu không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ làm chất lượng môi trường đất bị suy giảm. Đất nông nghiệp xung quanh khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề hầu hết các điểm quan trắc cho thấy có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng. Đáng lo ngại hơn là tình trạng xả trộm, đốt rác thải, chất thải công nghiệp đã chỉ ra rằng ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp còn hạn chế; chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe để ngăn chặn vi phạm.

Đơn cử, sự cố môi trường Formosa năm 2016 không xử lý nước thải súc rửa dây chuyền thiết bị trong giai đoạn chuẩn bị vận hành, đổ thẳng ra biển; nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân khi đi vào hoạt động khiến người dân sinh sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân luôn đặt trong trạng thái báo động về ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, trong quá trình vận hành, các nhà máy điện than này đã thải ra số lượng khổng lồ tro, xỉ nhưng vẫn loay hoay, chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.

“Tình trạng phát tán tro, xỉ, nhất là vào mùa gió chướng thổi mạnh, khiến người dân phải sống chung với bụi than rất khó chịu, cuộc sống bị đảo lộn nên vô cùng lo lắng. Chính vì vậy, một yêu cầu được đặt ra là phải làm tốt việc xử lý chất thải tro xỉ, vấn đề được xã hội rất quan tâm”, ông Thắng nói.

Siết chặt quản lý CTRCN

Thời gian qua đã có rất nhiều văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và kiểm soát hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn của các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp như Điều 68 Luật Bảo vệ Môi trường 2014 về Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định hay Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TNMT về BVMT CCN và gần đây nhất là Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Tuy nhiên, việc quán triệt thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Xử lý rác thải là vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Để siết chặt quản lý CTRCN cũng như tránh tình trạng đốt, xả CTRCN ra môi trường đòi hỏi phải có những quy định cụ thể và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở góc độ pháp lý nhà nước, cần triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường như siết chặt cấp giấy phép môi trường. Ngoài ra, cần chủ động kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt tập trung vào các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, các địa phương sớm xây dựng các hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, chủ đầu tư; kiên quyết xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không đáp ứng các quy định về quản lý chất thải.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Thắng, tại nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đang có xu hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh. Xu thế này là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm…

“Tại Việt Nam, một số ngành sản xuất đã thực hiện theo xu hướng này. Tuy nhiên, để xu hướng này phát triển ổn định, bền vững cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ để quá trình sản xuất các sản phẩm không gây ô nhiễm thứ cấp; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn”, ông Thắng chia sẻ.

Theo VTC New

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia hiến kế ‘giải bài toán’ chất thải rắn công nghiệp