Điểm đen ô nhiễm giữa làng hoa
Những năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành để xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, nhận thức và triển khai thực hiện vẫn còn những bất cập. Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bên cạnh đó là sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm về môi trường của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, gây bức xúc trong dư luận và người dân.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được phản ánh của người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên về việc nhà xưởng sản xuất thạch cao của Công ty TNHH sản xuất thạch cao Thành Đạt hoạt động phát tán khói bụi gây ô nhiễm môi trường, tập kết vật liệu tràn lan ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhà xưởng của công ty tồn tại hàng chục năm nay nên đã xuống cấp, trong và ngoài xưởng tập kết nhiều củi và có lò nung, nguy cơ cháy nổ cao.
Nhận được thông tin, phóng viên đã về địa phương để ghi nhận thực tế và nhận thấy những phản ánh trên là có cơ sở. Xã Xuân Quan là địa phương phát triển nông nghiệp chủ đạo là trồng hoa và cây cảnh. Hiện nay, ở giữa làng hoa vẫn tồn tại một nhà xưởng cũ kỹ của công ty TNHH sản xuất thạch cao Thành Đạt rộng hơn 1000m2 được quây tôn, chắp vá tạm bợ, xuống cấp, xập xệ. Bên ngoài nhà xưởng, công ty tập kết các “núi” thạch cao, gỗ củi, xỉ than sát mép đường mà không có biện pháp che chắn.
Bên trong nhà xưởng đâu đâu cũng phủ một lớp bụi dày, khi dây chuyền sản xuất thạch cao hoạt động là bụi bẩn phát tán mù mịt. Công ty không có biện pháp thu gom, xử lý khói bụi mà thổi thẳng ra ngoài môi trường. Đáng nói, công nhân làm việc trong xưởng không được trang bị đồ bảo hộ lao động theo quy định, quần áo và mũ đều phủ một lớp bụi thạch cao trắng xóa. Công ty cũng không có biện pháp lưu giữ, phân loại, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại mà tập kết rải rác ở trong xưởng. Xỉ than được công ty tập kết bừa bãi bên ngoài nhà xưởng, thậm chí còn đổ thẳng xuống ao phía sau.
Chủ một vườn hoa cây cảnh gần công ty Thành Đạt cho biết: “Công ty này của bà Nguyễn Thị Tình là người địa phương, hoạt động phải hai chục năm nay rồi. Nói chung cứ hoạt động là bụi bẩn lại phát tán ra, những hạt bụi thạch cao nhỏ li ti, có thể mắt thường không nhìn được nhưng nhìn trên lá cây là biết, nhiều hôm bụi phủ trắng, cứ tưới nước rửa xong hôm sau lại thấy bụi trắng. Trước họ còn để thạch cao với củi lấn chiếm ra lòng đường, bị xã xử phạt rồi nhưng lại đâu vào đấy”.
Cần đình chỉ hoạt động, di dời xưởng sản xuất thạch cao gây ô nhiễm
Để thông tin được khách quan, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Quý Đôn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan. Ông Đôn cho biết: “Vị trí đất mà bà Tình làm xưởng sản xuất thạch cao được xã cho thuê từ năm 2002 đến 2007 để sản xuất nông nghiệp. Khi công ty xây dựng nhà xưởng trái phép thì xã đã tổ chức thanh lý hợp đồng và từ đó đến nay tận thu sản lượng hàng năm. Năm 2012, theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã thì vị trí này sẽ làm trung tâm thương mại. Đối với việc sản xuất thạch cao của bà Tình, xã đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và có thông báo dừng sản xuất, di chuyển tài sản, trả lại mặt bằng cho địa phương. Công ty này không có hồ sơ pháp lý về môi trường, phòng Tài nguyên và Môi trường đã từng kiểm tra, xử phạt rồi”.
Theo trao đổi của lãnh đạo xã Xuân Quan thì đến nay công ty Thành Đạt không đủ điều kiện sản xuất thạch cao nữa. Vậy vì sao công ty này vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật và các chỉ đạo, thông báo của chính quyền địa phương? Thực tế xưởng sản xuất thạch cao chỉ cách trụ sở Đảng ủy, UBND xã Xuân Quan khoảng 200m, việc sản xuất thạch cao có “qua mắt” được chính quyền địa phương hay không?.
Ngày 13/7/2022, theo đề nghị của phóng viên, các cán bộ chuyên môn của UBND xã Xuân Quan đã phối hợp, ghi nhận thực tế việc hoạt động của công ty Thành Phát. Biên bản kiểm tra ghi nhận: “Tại thời điểm kiểm tra tại vị trí sản xuất của công ty Thành Đạt đang hoạt động sản xuất bột thạch cao theo dây chuyền, có công nhân hoạt động. UBND xã Xuân Quan yêu cầu bà Nguyễn Thị Tình dừng hoạt động sản xuất để phối hợp với UBND xã thực hiện các nội dung liên quan theo quy định của pháp luật”. Mặc dù, bà Nguyễn Thị Tình có mặt làm việc với đoàn kiểm tra nhưng lại không ký vào biên bản, mà liên tục khoe các “mối quan hệ”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, từ khi xưởng sản xuất thạch cao hoạt động đến nay có các hồ sơ pháp lý về môi trường hay không? Nhà xưởng đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu phòng cháy chữa cháy hay chưa? Bà Tình không trả lời được và bỏ đi nơi khác.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quý Đôn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết: “Qua kiểm tra công ty vẫn hoạt động nhưng không cung cấp được các giấy phép và hồ sơ pháp lý về môi trường, công ty không có đồ bảo hộ lao động cho công nhân, và có việc phát tán bụi bẩn gây ô nhiễm môi trường. Sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ có thông báo yêu cầu bà Tình dừng sản xuất thạch cao, tháo dỡ nhà xưởng và di dời tài sản trả lại mặt bằng cho xã trong vòng 30 ngày. Xã sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công ty thực hiện việc này.”
Thực tế, từ năm 2015 đến nay, UBND xã Xuân Quan đã có nhiều thông báo, yêu cầu bà Nguyễn Thị Tình dừng việc sản xuất thạch cao, di dời tài sản, hoàn trả lại mặt bằng, nhưng công ty không chấp hành. Ngược lại vẫn ngang nhiên hoạt động, “phớt lờ” các quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường. Ông Đôn cho rằng: “Việc chấp hành pháp luật của công ty Thành Đạt là kém vì đã có những thông báo của xã mà doanh nghiệp vẫn hoạt động. Trong thời gian tới nếu công ty vẫn cố tình hoạt động chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp yêu cầu Hợp tác xã ngừng cung cấp điện, thực hiện các bước giải tỏa, yêu cầu di dời tài sản để trả lại mặt bằng, lấy mặt bằng sạch để đấu giá, đầu tư xây dựng trung tâm thương mại”.
Theo thông báo số 64/TB-UBND ngày 13/7/2022 của UBND xã Xuân Quan, yêu cầu bà Nguyễn Thị Tình ngừng hoạt động sản xuất trên vị trí đất thuê thầu do UBND xã quản lý đã hết thời hạn hợp đồng và đã có thông báo thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời di chuyển toàn bộ vật tư, thiết bị, nhà xưởng trả lại mặt bằng vị trí đất đấu giá. Thời gian thực hiện việc di dời là 30 ngày, tức là xong trước ngày 13/8/2022.
Liệu rằng trong thời gian tới bà Nguyễn Thị Tình có nghiêm túc thực hiện thông báo của UBND xã Xuân Quan hay không?. Liên quan đến các vi phạm về môi trường, an toàn lao động và an toàn PCCC của công ty Thành Đạt sẽ được UBND huyện Văn Giang, Công an huyện Văn Giang kiểm tra, xử lý như thế nào?. Việc để công ty Thành Đạt hoạt động sản xuất thạch cao trong suốt thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan thì trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã Xuân Quan đến đâu?
Tòa soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài báo tiếp theo.
Theo Luật Đất đai năm 2013:
Điều 207. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
Điều 208. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.