Côn Đảo chủ trương nói "không" với hoạt động cúng, đốt hàng mã

Hoàng Thơ|10/07/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ trương nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, di tích không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Côn Đảo xanh, sạch, đẹp mà còn ngăn chặn các hình thức mê tín dị đoan.

Bắt đầu từ tháng 7.2024, các di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo, gồm: Miếu Cậu, mộ 75 chiến sĩ - Khu dân cư số 1; miếu Thổ Địa - Khu dân cư số 2; An Sơn miếu - Khu dân cư số 3; chùa Núi Một - Khu dân cư số 3; miếu Ngũ Hành - Khu dân cư số 10, chính thức thực hiện việc "Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã".

bang-tuyen-truyen-fix.jpg
Các hoạt động hưởng ứng chương trình "Nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã" tại các điểm di tích.

Mỗi ngày, Côn Đảo đón lượng lớn du khách ghé thăm do vậy tình trạng đốt vàng mã hiện quá nhiều. Trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt) tại các điểm di tích trên địa bàn huyện. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường đất nước, không khí của di tích. Hành động nói không với cúng, đốt hàng mã đã thể hiện sự kiên quyết của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ di tích và là một chủ trương đúng đắn, nhằm ngăn chặn các biến tướng, thương mại hóa trong hoạt động tín ngưỡng.

Theo đánh giá của UBND huyện Côn Đảo, dù mới triển khai thực hiện trong thời gian ngắn nhưng về cơ bản chủ trương "Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã" tại các di tích đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và du khách.

Số lượng hàng mã, đồ mã dâng cúng được hạn chế, việc đốt hương, nhang giảm dần tại các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

gio-le-xanh.jpg
Từ 1-7 đến 31-12-2024, Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cũng đã triển khai thực hiện "Ngày thứ bảy Giỏ lễ xanh"

Trước đó, ngày 6.7, Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cũng đã triển khai thực hiện "Ngày thứ bảy Giỏ lễ xanh". Theo đó, các tình nguyện viên chia 3 ca (sáng, chiều, tối) cùng phối hợp hỗ trợ trung tâm hướng dẫn và sắp mâm lễ cho du khách theo tiêu chí Giỏ lễ xanh (không hàng mã, không mút xốp, không túi ni lông, không khay nhựa, không chai nhựa dùng 1 lần, kích thước cao - dài - rộng 50 cm).

Ngày đầu thực hiện "Ngày thứ bảy Giỏ lễ xanh" nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và du khách với tỷ lệ hơn 85%. Đối với các giỏ lễ có đồ nhựa, mút xốp, túi ni lông, sau khi được tuyên truyền, giải thích về chủ trương hạn chế đồ nhựa, nhiều đoàn khách đồng ý để các tình nguyện viên hỗ trợ cắm lại giỏ lễ bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, thay thế giỏ nhựa bằng giỏ gỗ, bỏ chân đế cắm hoa mút xốp thay bằng thân cây chuối.

Bên cạnh sự ủng hộ của người dân và du khách, một số cơ sở kinh doanh vẫn còn nhiều băn khoăn trước chủ trương mới. "Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh đồ lễ còn chưa đồng thuận với chủ trương của UBND huyện. Một số chủ cơ sở kinh doanh đồ lễ đã đăng một số thông tin phản ứng với chủ trương của UBND huyện lên các trang mạng xã hội, gây ra dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo", lãnh đạo UBND H.Côn Đảo cho hay.

con-dao-fix.jpg
Các tình nguyện viên hướng dẫn du khách phân loại, soạn "giỏ lễ xanh".

Cơ quan chức năng huyện bày tỏ mong muốn, người dân và du khách khi đến du lịch Côn Đảo có thể lựa chọn các mâm lễ với hoa quả, trái cây và các vật dụng thân thiện với môi trường để dâng lễ, thắp hương, nhang tại các điểm di tích theo đúng quy định, thể hiện lòng thành kính của mỗi người, thay vì sử dụng hàng mã, đồ mã và các vật dụng bằng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.

Du khách nên chọn cơ sở lưu trú "xanh", ưu tiên lựa chọn những điểm đến hạn chế đồ dùng nhựa.

Đồng thời, khách tham quan có thể tham gia các tour du lịch sinh thái đa dạng tại Côn Đảo gồm cả lặn biển và trekking rừng, xem rùa đẻ trứng. Việc lựa chọn quà lưu niệm là các sản phẩm thủ công, handmade do người dân địa phương tự sản xuất, cũng là góp phần chung tay xây dựng huyện Côn Đảo ngày càng văn minh, xanh - sạch - đẹp.

Việc này góp phần chung tay cùng H.Côn Đảo trong công tác bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, giảm khói bụi ô nhiễm do hoạt động đốt hàng mã gây ra. Việc nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các di tích do UBND H.Côn Đảo quản lý cũng nhằm góp phần thực hiện đề án "Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững H.Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Để thực hiện đề án trên, huyện Côn Đảo đã và đang triển khai các hoạt động thiết thực bên cạnh chủ trương "Nói không với các hoạt động cúng, đốt hàng mã tại các khu, điểm di tích; chương trình "Giỏ lễ xanh" còn tổ chức cuộc thi trực tuyến "Thử thách Dấu tay xanh" ngày 15-7.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Côn Đảo chủ trương nói "không" với hoạt động cúng, đốt hàng mã
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.