Công dụng của quế đối với sức khỏe trong mùa đông lạnh

Minh Anh (T/h)|13/12/2019 06:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Quế là một loại thảo dược có nhiều công dụng với sức khỏe con người. Hương thơm ngọt ngào của quế là không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại thảo dược nào khác.

Cây quế là loài thực vật thuộc chi Cinnamomum, vỏ cây, vỏ cành có vị cay, có mùi thơm nồng. Người ta khai thác vỏ của thân, cành cây quế để làm thuốc trong Đông y, làm gia vị, làm thảo mộc dưỡng da… Lá của cây quế có thể được dùng để chưng cất tinh dầu. Gỗ quế được dùng làm đồ mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất…

Ảnh minh họa

Trong quế có nhiều khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm và ma giê, một lượng cao vitamin A, niacin, axit pantothenic và pyridoxine. Quế còn chứa chất xơ và chất chống oxy hoá. Vì vậy, quế thường được sử dụng để chống nấm, giảm đau và sát trùng, điều trị tiêu chảy, cảm lạnh, đau bụng, tăng huyết áp, mất cảm giác ngon miệng và viêm phế quản. Loại thảo mộc này cũng được dùng để điều trị xuất huyết nội. Quế là một loại hàng hóa quý giá mà được giao dịch rộng rãi trên khắp thế giới cổ đại và hiện đại. Người ta dùng quế từ rất lâu đời để làm thuốc chữa bệnh, làm hương liệu trong nhiều ngành sản xuất.

Người Ai Cập cổ đại đã đánh giá cao và dùng quế như là một thành phần thiết yếu trong hỗn hợp hương liệu để ướp xác. Tại Roma vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên, quế có giá trị gấp 15 lần so với bạc và thế kỷ sau đó, nó vẫn còn đắt đỏ. Chỉ có những người rất giàu có ở thời trung cổ châu Âu có thể đủ khả năng sử dụng loại hàng hóa đắt tiền này, do nhu cầu dùng cao và nguồn cung cấp thấp. Dần dần, quế trở nên phổ biến rộng rãi hơn và có giá cả phải chăng, phù hợp với nhiều tầng lớp xã hội. Ở nước ta, quế tự nhiên hiện còn rất ít, chủ yếu là quế trồng, tại Văn Yên, Yên Bái và vùng núi phía Tây Thanh Hóa vẫn còn một số cây quế tổ, tồn tại lâu năm, có giá trị cao đối với truyền thống văn hóa và làm dược liệu chữa bệnh.

Y học hiện đại dùng quế làm thuốc chữa các bệnh rối loạn tiêu hóa, cảm lạnh, cảm cúm, viêm nhiễm phổi, lưu thông mạch máu, do đó làm tăng lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân. Gần đây hơn, quế được chứng minh là có tác dụng giống insulin trong máu và có thể giúp ổn định lượng đường trong máu ở những người mắc đái tháo đường typ 2. Nó cũng có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu, nhưng cần có những nghiên cứu thêm về tác dụng này. Do đó, quế có tác dụng làm giảm đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường.

Quế có dược tính cao, nên khi dùng loại thảo dược này có thể khiến bạn gặp một số tác dụng phụ như: Đỏ mặt, tăng nhịp tim, viêm miệng, viêm lưỡi, viêm nướu, tăng động, chán ăn, gây kích thích, Viêm da dị ứng, khó thở…

Ngoài ra, không nên dùng quế trong những trường hợp cho trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.Không dùng lượng lớn bột quế. Bột quế bay vào mũi sẽ gây ngạt thở, viêm và bỏng đường hô hấp. Có trường hợp phải nhập viện nhiều ngày sau khi hít phải bột quế. Việc dùng bột quế với lượng lớn có thể gây ngộ độc gan, loét miệng, lượng đường trong máu quá thấp, gây ra các vấn đề về hô hấp…

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dụng của quế đối với sức khỏe trong mùa đông lạnh