(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 24/8 vừa qua, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thảo luận về các mô hình, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nông thôn và khuyến cáo áp dụng tại các địa phương.
>>>50% số trường học trên thế giới thiếu nước sạch, nhà vệ sinh
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp, Ảnh Bộ TNMT
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn nông thôn nói riêng ở nước ta được xử lý bằng 03 hình thức: đốt, chôn lấp và sản xuất phân compost.
Về xử lý CTRSH bằng hình thức đốt: Cả nước có khoảng 200 lò đốt CTRSH, đa số là các lò đốt công suất nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ.
Về xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp: Theo thống kê tính đến năm 2016 có khoảng 458 bãi chôn lấp CTRSH (quy mô trên 1ha). Ngoài ra còn có các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ.
Hiện nay vẫn còn tồn tại các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh tại các các địa phương, các vùng nông thôn.
Hiện nay , xử lý CTRSH thành phân hữu cơ, các cơ sở xử lý CTRSH thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí hoặc kị khí.
Hai hình thức phổ biến xử lý CTRSH ở nông thôn là đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề nan giải trong công tác xử lý CTRSH ở nông thôn.
Để giải quyết vấn đề quá tải ở các bãi rác ở nông thôn, một số mô hình lò đốt đã được áp dụng thí điểm ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Bước đầu các công nghệ cho thấy có thể giúp giảm lượng rác thải phát sinh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan khu vực. Tuy nhiên, không đảm bảo nhiệt độ đốt của lò, khối lượng CTR đốt lớn hơn công suất cho phép… cũng có thể làm phát sinh các loại chất thải độc hại như Dioxin, Furan.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân giao Tổng cục Môi trường tiến hành đánh giá toàn diện theo căn cứ khoa học về tính bền vững đối với các mô hình xử lý CTR tại địa phương. Từ đó sẽ lựa chọn mô hình bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường để nhân rộng tại địa phương. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và xử lý CTR để triển khai thực hiện các mô hình này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cần có các giải pháp đẩy mạnh phân loại chất thải tại nguồn, để thuận tiện cho việc thu gom, xử lý chất thải. Thêm nữa, cần tận dụng được phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, góp phần giảm phế liệu nhập khẩu.
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức Hội thảo khoa học về quản lý và xử lý CTR nhằm thảo luận, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học về các mô hình, công nghệ xử lý CTR hiện nay.
Quỳnh Dao (T/h)