Cụ thể, trong hơn 3 (2021-2024) năm triển khai các hoạt động can thiệp, dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung" đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa tại Huế, trong đó thu gom và quản lý được 570 tấn rác thải nhựa thông qua can thiệp của dự án cùng nhiều mô hình, sáng kiến và giải pháp đã, đang được triển khai thành công tại TP Huế.
Dự án đã phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai tại 36 phường, xã của TP Huế với sự trang bị đồng bộ 295 điểm thùng lưu chứa chất thải rắn sau phân loại cùng các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về PLRTN.
Đặc biệt, gần 26.000 hộ gia đình được tuyên truyền về PLRTN và giảm thiểu rác thải nhựa, hệ thống 742 tuyên truyền viên tại 31 phường xã được thiết lập và thực hiện thành công 68.000 lượt thăm hộ, mô hình “Trường học giảm nhựa” đã lan tỏa đến 51 trường tiểu học và trung học cơ sở và thu hút sự tham gia của hơn 155.000 giáo viên cùng học sinh.
Mô hình du lịch giảm nhựa được 41 đơn vị gồm các khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng ký cam kết triển khai… xây dựng thành công điểm đến du lịch giảm nhựa cộng đồng tại phường Thủy Biều (TP Huế) với 16 cơ sở cộng đồng tham gia. Tại các điểm đến du lịch và di sản Huế, 9 trạm nhà chờ và máy cấp nước miễn phí được đưa vào khai thác sử dụng nhằm khuyến khích người dân, du khách giảm sử dụng nhựa dùng một lần.
Dự án triển khai thành công việc áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải rắn với việc phối hợp đồng hành cùng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát trên đường phố nhằm nhận diện rác thải đổ không đúng quy định.
Ứng dụng Hue-S còn tích hợp chức năng hữu ích như “Tìm kiếm Điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại” và “Hướng dẫn du lịch giảm nhựa cho du khách khi đến Huế”. Dự án đã tiếp cận được 1,1 triệu lượt người tham gia và ghi nhận sự đồng hành của 127 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thay đổi hành vi sử dụng nhựa và phân loại rác tại nguồn, các chuỗi sự kiện như Hue Plogging, tuần lễ/tháng không túi nilon, Ngày hội tái chế, Ngày hội giảm nhựa, Thử thách làm cho thế giới sạch hơn, Chủ Nhật xanh… với hàng ngàn người hưởng ứng bao gồm học sinh, sinh viên, trung niên cho đến những người lớn tuổi với hàng tấn rác thải được thu gom.
Dự án TVA được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi RTN. Dự án với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát RTN vào năm 2024.