Công tác xử lý tro, xỉ than nhiệt điện tại các tỉnh phía Nam – Bài 2: Đi tìm nguyên nhân, lời giải cho bài toán tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện

Giang Anh|02/04/2022 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước thực tế lượng tro, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện ở các tỉnh phía Nam phát sinh ngày càng nhiều, việc đẩy mạnh tiêu thụ loại chất thải này đang là vấn đề cấp bách, nhằm vừa giải tỏa công suất các bãi chứa, hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tránh lãng phí nguồn nguyên liệu này.

Nguyên nhân của tình trạng bãi chứa tro, xỉ quá tải

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho thấy, tính đến tháng 6/2020, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng khoảng trên 10,9 triệu tấn nhưng lượng tro xỉ đã được xử lý, tiêu thụ chỉ đạt con số rất khiêm tốn, hơn 1,049 triệu tấn, chiếm 9,62%.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết do các nhà máy nhiệt điện cách quá xa các cơ sở sản xuất xi măng và hộ tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn ở phía nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… nên khó khăn trong việc vận chuyển, tăng chi phí tiêu thụ do vận chuyển đi xa.

Việc vận chuyển tro, xỉ bằng đường biển qua Cảng tổng hợp, chi phí cao, do đó vẫn chưa khuyến khích được các đơn vị tiêu thụ qua đường biển.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng thẳng thắn chỉ rõ tình trạng các cơ sở tái sử dụng tro, xỉ trong phạm vi tỉnh Bình Thuận và các khu vực phụ cận còn ít, năng lực tiếp nhận để tái xử lý còn yếu. Thói quen sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ chưa được người dân địa phương đón nhận. Các yếu tố khách quan này đã ảnh hưởng đến khối lượng tro, xỉ được xử lý.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ có 2 doanh nghiệp sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nguyên liệu gạch không nung, trong đó Công ty Mãi Xanh mới chỉ lắp đặt được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch không nung và tiêu thụ tro, xỉ khoảng 450 tấn/ngày, chỉ bằng khoảng 10% lượng tro xỉ phát sinh trong một ngày của nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Việc tiếp tục triển khai lắp đặt các dây chuyền còn lại để tiêu thụ lượng tro xỉ từ nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 của doanh nghiệp này khó có khả năng thực hiện do khó khăn về tài chính. Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân đã phải điều chỉnh hợp đồng theo hướng giao Công ty Mãi Xanh tiêu thụ, xử lý 50% lượng tro xỉ ( trước đây là 100%) và chuyển khối lượng tro xỉ sang ký hợp đồng xử lý, tiêu thụ với Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền.

Theo phân tích của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các nhà máy điện ở Việt Nam đang sử dụng một trong 3 công nghệ xử lý khí sulfur: Xử lý bằng nước biển (SFGD); xử lý bằng bột đá vôi sau khi đốt; xử lý bằng bột đá vôi đốt kèm than. Hiện Việt Nam có 9/25 nhà máy đốt đá vôi kèm than dẫn đến tro bay có lẫn bột đá vôi nên khó làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng

Về công nghệ thải xỉ, một số nhà máy dùng công nghệ thải xỉ ướt sử dụng nước biển để thải hỗn hợp tro, xỉ ra bãi chứa dẫn tới tro, xỉ bị nhiễm mặn, gây khó khăn trong quá trình xử lý, tiêu thụ. Ngoài ra, một số nhà máy thải xỉ bằng công nghệ ướt nhưng trộn lẫn tro và xỉ vào nước và bơm ra bãi chứa, dẫn tới tro, xỉ lẫn lộn gây khó khăn trong quá trình xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Do sử dụng thiết bị công nghệ đốt chưa phù hợp để đốt cháy triệt để than chất lượng thấp, một số nhà máy sử dụng than antraxit thải ra tro, xỉ có tỉ lệ carbon chưa cháy cao trên 12%, không phù hợp với tiêu chuẩn làm phụ gia cho xi măng, phụ gia bê tông như nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1.

Cũng theo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng, mặc dù đã có tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, nhưng việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp vẫn chưa cạnh tranh được về giá thành so với các loại vật liệu san lấp truyền thống. Trong khi đó một số đơn vị xả thải còn bán tro xỉ thay vì có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị tiêu thụ nên dẫn đến tiêu thụ chậm.

Vụ Vật liệu xây dựng cho biết văn bản hướng dẫn xử lý tro, xỉ, thạch cao và hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên mỏ chưa được ban hành cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua.

Những giải pháp đặt ra

Ðể khắc phục hạn chế và đẩy nhanh việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 08/CT-TTg về tăng cường xử lý, sử dụng, tiêu thụ tro xỉ; yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo, nghiên cứu các ứng dụng mới đối với sử dụng tro xỉ; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng; các nhà máy xi-măng, trạm nghiền xi sử dụng làm phụ gia,…

Ðồng thời, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc đồng xử lý tro xỉ trong sản xuất VLXD, coi đây là quá trình xử lý tro xỉ; giám sát, thanh tra về bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ việc nghiên cứu sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu phục vụ các lĩnh vực sản xuất. Các địa phương cũng ưu tiên đề tài nghiên cứu sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng; khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xử lý, sử dụng tro xỉ, có chính sách khuyến khích xử lý tro xỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro xỉ tiếp cận nguồn phát thải,… Chủ cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm xử lý, tiêu thụ tro xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất, có giải pháp hữu hiệu thực hiện cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tro bay dùng trong xi măng, trạm trộn bê tông và sản xuất gạch không nung.

Để việc tiêu thụ tro, xỉ được đẩy mạnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận cần xem xét, nghiên cứu có giải pháp phù hợp cho việc ưu tiên sử dụng loại vật liệu hợp chuẩn này làm vật liệu san lấp công trình xây dựng, làm đường giao thông… trên địa bàn. Như vậy, lượng tro, xỉ phát thải và lưu chứa sẽ được tiêu thụ hiệu quả.

Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ban hành và có hiệu lực từ 10/01/2022, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than không phải là chất thải nguy hại, mà đã khẳng định thuộc danh mục chất thải rắn công nghiệp thông thường. Khi tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than này được hợp chuẩn hợp quy thì trở thành hàng hóa bình thường và quản lý như hàng hóa.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Nguyễn Tài Anh cho biết: Để đạt được mục tiêu tiêu thụ hết toàn bộ lượng tro xỉ phát sinh trong các NMNĐ trực thuộc trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xét, phê duyệt các cơ chế ưu đãi, đặc thù trong công tác sử dụng tro xỉ, giúp đẩy mạnh hơn nữa tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nói riêng cũng như tại toàn bộ các NMNĐ than trong cả nước nói chung.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ban hành cơ chế đối với các chủ đầu tư dự án giao thông, công trình xây dựng để tiếp nhận và sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, nền đường cao tốc như một số nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn về định mức, đơn giá, thi công, nghiệm thu tại các dự án sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong các công trình giao thông, xây dựng. Xem xét, có ý kiến đề xuất với các bộ, ban, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, triển khai thực hiện giải pháp sử dụng tro xỉ trong các công trình xây dựng, giao thông. Hoàn thiện các quy chuẩn Việt Nam liên quan đến sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp và làm nền đường ô tô.

UBND tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận cần quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện tối đa để các đơn vị của Tập đoàn Điện lực đẩy mạnh được công tác tiêu thụ tro xỉ phát sinh, tro xỉ đang lưu tại bãi xỉ dùng chung, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến sử dụng tro xỉ vào các công trình giao thông, xây dựng, san lấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Do việc vận chuyển tro xỉ bằng đường bộ có chi phí cao nên các đơn vị phải khẩn trương đẩy nhanh phương án vận chuyển tro xỉ bằng đường thuỷ. Tổng công ty Phát điện 3, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân nhanh chóng hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung công năng cảng biển để đón tàu tải trọng cỡ lớn hơn vào vận chuyển tro, xỉ.

Đặc biệt, cần có sự ủng hộ, chung tay của các Bộ, ngành, địa phương để triển khai phương án sử dụng tro, xỉ vào san lấp các công trình ở miền Nam. Thực tế, tro xỉ của các NMNĐ đã được phân tích, kiểm định và đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị cũng đã thực hiện đăng kí hợp chuẩn, hợp quy, giấy chứng nhận tro xỉ đủ điều kiện để sử dụng vào các mục đích cụ thể như làm phụ gia xi măng, bê tông, vật liệu san lấp, nền đường ô tô…

Về lâu dài, để đẩy mạnh tiêu thụ tro, xỉ, cần xây dựng được thị trường vật liệu xây dựng không nung tại phía Nam. Theo đó, các giải pháp được đề xuất là: Tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, tuyên truyền đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp, người dân hiểu tro xỉ nhiệt điện than là một nguồn tài nguyên của ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.

Giang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Công tác xử lý tro, xỉ than nhiệt điện tại các tỉnh phía Nam – Bài 2: Đi tìm nguyên nhân, lời giải cho bài toán tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.