Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An): Bám sát chỉ đạo, đấu tranh xử lý kiên quyết những vi phạm về môi trường

Hùng Thắng  – Thu Thủy|13/02/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn  Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an về những kết quả đạt được trong năm qua và kế hoạch hoạt động của lực lượng CSMT trong năm 2021.

PV: Năm 2020, Lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã lập được nhiều chiến công, xin đồng chí cho biết một số kết quả mà lực lượng Cảnh sát môi trường đạt được trong thời gian qua?

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt: Năm 2020, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ, chỉ đạo hệ lực lượng tập trung triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Theo đó, Cục đã hoàn thành 46/53 nhiệm vụ công tác lớn (các nhiệm vụ còn lại đang trong thời hạn tiếp tục thực hiện), trong đó hoàn thành tất cả 07/07 nhiệm vụ Chính phủ và lãnh đạo Bộ giao; chủ động phát hiện, tham mưu đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ 69 văn bản và có 41 văn bản chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên; có 45 báo cáo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết và chuyên đề công tác lớn; tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật, cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng, kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường triển khai thực hiện nghiêm túc các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo kế hoạch của Bộ (cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Canh Tý; cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; cao điểm vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháo luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2020; Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm).

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành 03 Thông tư: Thông tư số 80/2019/TT-BCA ngày 27/12/2019 hướng dẫn thực hiện Điều 7,8 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Thông tư số 83/2019/TT-BCA ngày 31/12/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường; Thông tư số 41/2020/TT-BCA ngày 06/5/2020 quy định quy trình, kỹ thuật kiểm định nước thải. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ kiến nghị sửa đổi các quy định chưa phù hợp trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Kết quả toàn lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã kiểm tra, phát hiện trên 25.100 vụ/25.800 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019); khởi tố, đề nghị khởi tố 271 vụ/382 bị can; xử phạt, đề xuất xử phạt VPHC trên 21.700 vụ/2.500 tổ chức, 20.400 cá nhân (tăng 8,9%) với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng (tăng 12,8%). Đặc biệt từ sau khi các đơn vị thuộc Cục ký giao ước thi đua, một số mặt công tác có chuyển biến rõ nét hơn trước; công tác đấu tranh, xử lý đã tập trung vào các vụ việc lớn, nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội, có dấu hiệu hình sự, có mức xử phạt cao.

PV: Vậy đâu sẽ là những thách thức mà lực lượng cảnh sát PCTP về môi trường phải đối mặt trong thời gian tới, thưa Phó Cục trưởng?

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt: Những thách thức mà lực lượng cảnh sát PCTP về môi trường phải đối mặt trong thời gian tới cụ thể như sau:

Một là, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đòi hỏi thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phục vụ pháp triển kinh tế – xã hội, đặt ra bài toán phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Hai là, hội nhập kinh tế và quá trình phát triển kinh tế, xã hội sẽ tạo sức ép lớn đối với các vấn đề môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ trong điều kiện chính sách ngày càng thông thoáng, kéo theo các nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Ba là, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn có những cơ sở, chậm được khắc phục, nhất là lĩnh vực: quản lý đất đai, rừng, khoáng sản, nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bốn là, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi.

Năm là, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Cảnh sát môi trường.

PV: Theo đồng chí, giải pháp nào để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay?

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt: Theo tôi, để các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nâng cao ý thức và thực hiện tốt công tác BVMT thì cần phải có những giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Hai là, công khai các thông tin về ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp với các đối tượng có liên quan như người dân, tổ chức xã hội, người tiêu dùng, người đầu tư để gây sức ép với doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Ba là, xây dựng cơ chế giám sát của người dân, của cộng đồng đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và duy trì thường xuyên các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Bốn là, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, đủ sức răn đe, không để doanh nghiệp lợi dụng sơ hở để có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Năm là, tổ chức tuyên dương và khen thưởng, tuyên truyền đối với những cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

PV: Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ có những kế hoạch hoạt động thế nào nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường?

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt: Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ có những kế hoạch hoạt động cụ thể như:

Ứng dụng và thực hiện có hiệu quả sự phát triển của công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, coi đây là khâu đột phá trong năm 2021.

Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.

Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình và công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và VPPL về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của toàn lực lượng, không bỏ lọt đối tượng, lĩnh vực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Cần tăng cường xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng trong và ngoài lực lượng CAND trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý tội phạm, VPPL về môi trường. Thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp với các bộ, ngành, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

thực hiện nghiêm quy chế làm việc, các quy trình công tác, điều lệnh CAND. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong khi thi hành công vụ của cán bộ, chiến sỷ, không để xảy ra tình trạng bao che, bảo kê, tiếp tay cho tội phạm, sách nhiễu doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Phó Cục trưởng, chúc Phó Cục trưởng và các cán bộ chiến sỹ Cảnh sát môi trường mạnh khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2021!

Hùng Thắng  – Thu Thủy

Bài liên quan
  • Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Khẳng định vai trò phản biện xã hội trong lĩnh vực nước sạch và môi trường
    Moitruong.net.vn – Nước giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống, trong sự sinh tồn và phát triển của con người. Nước sạch và vệ sinh môi trường là một trong những yếu tố quyết định đến sức khỏe con người từ đó nó ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội…Trong những năm qua, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (Hội NS&MT Việt Nam) đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiều dự án liên quan đến nước sạch và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An): Bám sát chỉ đạo, đấu tranh xử lý kiên quyết những vi phạm về môi trường