Đà Lạt cưỡng chế tháo dỡ cụm nhà hàng, nhà nghỉ xây dựng không phép nơi nguy cơ sạt lở

Minh Lâm|16/09/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lực lượng chức năng TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cưỡng chế tháo dỡ cụm công trình nhà hàng, nhà nghỉ xây dựng không phép ở đường Hoàng Hoa Thám (phường 10) nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Từ ngày 14-15/9, UBND phường 10 (TP Đà Lạt) phối hợp với các phòng ban, đơn vị chức năng của thành phố tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Cty TNHH Malakai trên đường Hoàng Hoa Thám.

Cụm công trình nhà hàng, nhà nghỉ của Công ty Malakai nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chỉ cách điểm sạt lở kinh hoàng tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (khiến 2 người chết và 5 người bị thương) vài trăm mét. Việc cưỡng chế tháo dỡ cụm công trình này được ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt chỉ đạo bằng văn bản số 5826/UBND-QLĐT ngày 30/8/2023.

cong-trinh-trai-phep-1.png
Tháo dỡ công trình xây dựng không phép của Cty TNHH Malakai. Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt, công trình xây dựng không phép trên các thửa đất số 621, 762, 761, 52, 481 thuộc tờ bản đồ số 7, đường Hoàng Hoa Thám (P.10). Đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất, khu vực này không phù hợp quy hoạch đất ở.

Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra vào tháng 2/2023, tại đây có 35 công trình thi công không có giấy phép xây dựng. Trong đó có 5 căn với tổng diện tích sàn xây dựng gần 2.500 m2 đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng; ngoài ra có 30 căn nhà (dạng bungalow đang thi công, diện tích từ 16 m2 đến 75 m2/căn).

Tháng 3/2023, UBND TP.Đà Lạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Malakai số tiền 90 triệu đồng đối với hành vi xây dựng không phép. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ngưng thi công công trình và liên hệ cơ quan chức năng, lập hồ sơ thủ tục xin phép xây dựng theo quy định.

Trường hợp cơ quan thẩm quyền từ chối hoặc đồng ý cấp phép nhưng thiết kế được duyệt không trùng khớp với các công trình đã xây dựng thì doanh nghiệp phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm. Thời hạn khắc phục vi phạm trong 90 ngày kể từ ngày TP.Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Sau đó, chủ đầu tư đã tự khắc phục tháo dỡ các căn nhà nhỏ và một phần các công trình vi phạm, tuy nhiên công trình chính là cụm nhà hàng, nhà nghỉ vẫn chưa được tháo dỡ, công trình này cũng không được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Theo thống kê của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, TP Đà Lạt hiện có 210 điểm sạt lở, sụt lún, chủ yếu trên các tuyến đường giao thông. Đây cũng là một trong 4 địa phương được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao của Lâm Đồng, cùng với huyện Lạc Dương, Di Linh và Đam Rông.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đánh giá Đà Lạt có 10% diện tích nguy cơ trượt lở rất cao, 42% cao, và 45% trung bình; chỉ 3% diện tích nguy cơ thấp. Hơn 10 năm qua, địa phương này thiệt hại gần 126 tỷ đồng vì các loại thiên tai, trong đó có sạt lở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Lạt cưỡng chế tháo dỡ cụm nhà hàng, nhà nghỉ xây dựng không phép nơi nguy cơ sạt lở