Đà Nẵng chủ động ứng phó với El Nino kéo dài

Vũ Thành|19/09/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trạng thái El Nino đã chính thức xuất hiện từ đầu tháng 6/2023. Đợt El Nino này được dự báo kéo dài trong 2 năm, thậm chí có khả năng kéo dài hơn và diễn biến khắc nghiệt, nhất là hạn hán, thiếu nước, nhiễm mặn, bão mạnh, mưa tập trung cường độ lớn... Vì vậy, Đà Nẵng đang tập trung các giải pháp ứng phó với đợt El Nino này.

Ông Phùng Hồng Long, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ nhận định, El Nino lần này khá giống El Nino giai đoạn 2009-2010, năm có bão Ketsana (tháng 9-2009). Còn ông Lê Minh Nhật, phụ trách Văn phòng Cục Đê điều và phòng chống thiên tai tại miền Trung, mong muốn Đà Nẵng có những kịch bản ứng phó với những tình huống xấu khi thiên tai xảy ra. Thành phố Đà Nẵng đã có kinh nghiệm phòng chống bão mạnh, lũ lớn, nhưng ngập lụt đô thị là một xu hướng mới nên cần có những giải pháp để ứng phó với những tình huống xấu cũng như có kịch bản ứng phó phù hợp về ngập lụt đô thị trong năm nay.

ung-pho-voi-el-nino-keo-dai.jpg
Đường vào thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang ngập sâu

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, hệ thống cống thoát nước hiện trạng tại khu vực đô thị thành phố dài khoảng gần 1.800km (trong đó có khoảng 40km tuyến cống được xây dựng trước năm 1994) và gần 30km kênh mương hở, trong đó, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nhận đặt hàng quản lý khoảng 850km cống thoát nước, 19 hồ điều tiết, 27 tuyến kênh, mương với chiều dài khoảng 25km, 5 trạm bơm chống ngập. Nhờ đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác chống ngập nên số điểm ngập úng đã giảm từ 95 điểm ngập vào năm 2010 xuống còn 58 điểm ngập vào năm 2015 và hiện nay thành phố còn khoảng 9 điểm ngập thường xuyên, trong đó, 6 điểm đang được thi công các công trình chống ngập, 3 điểm đang chuẩn bị đầu tư công trình chống ngập.

Để chống ngập lụt trong đô thị, tùy theo diễn biến tình hình thời tiết đối với từng trận mưa cụ thể, Sở Xây dựng đề nghị Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng và các địa phương triển khai ứng trực, kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Núi Thành, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, hạ lưu Khe Cạn, đường Hà Huy Tập, cống Mê Linh, đoạn cống từ sân bay ra đường Trưng Nữ Vương,...); vận hành hiệu quả các trạm bơm chống ngập Thuận Phước, Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, K20, Đảo Xanh, Ông Ích Khiêm và bố trí nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm lưu động có công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng; hạ thấp mực nước, vận hành liên hồ Công viên 29 Tháng 3, hồ Thạc Gián, hồ Vĩnh Trung và vận hành cửa phai hồ Ba Sen Vàng để giảm ngập; phối hợp tuyên truyền, vận động người dân vớt rác, khơi thông cửa thu nước mưa trước nhà, kênh mương, cống thoát nước,...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, ngay từ đầu năm 2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 1-2-2023 ban hành đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đề án, thành phố đã đề ra các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tăng cường quan trắc, năng lực dự báo, giám sát và cảnh báo thiên tai; kiểm soát quy hoạch, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai; bố trí, sắp xếp dân cư vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai; tăng cường nguồn lực tài chính phòng, chống thiên tai...

Thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện các nội dung trong đề án, qua đó tổ chức nhiều buổi tập huấn, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn các quận, huyện, nhất là các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Riêng từ ngày 8-8 đến 18-8-2023, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền 25 buổi với sự tham gia của gần 1.250 hộ dân ở các khu vực bị ngập lụt sâu vào ngày 14 và 15-10-2022 tại phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho biết, để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, UBND thành phố đã ban hành phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2023, cụ thể là phương án ứng phó với 7 loại hình thiên tai chính như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn gây ngập lụt đô thị, vỡ hồ chứa và sóng thần.

Thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương di dời khẩn cấp ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn. Hiện 56 xã, phường đã thành lập, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và chủ động triển khai các phương án phòng, chống các loại hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”...

Trả lời phỏng vấn báo chí tại Đà Nẵng ngày 13-6-2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho rằng, El Nino lần này được nhận định kéo dài 2 năm, thậm chí đến 3 năm với hạn hán, xâm nhập mặn bất thường và bão, mưa có cường độ rất lớn, với hạn hán như El Nino từ năm 2014-2016.

Nếu hạn nhiều và nắng nhiều thì sẽ có khả năng xuất hiện những cơn bão, mưa bất thường, không nhận định được trước và cường độ rất lớn. Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số biểu hiện bất thường của El Nino, đặc biệt là ứng phó với những rủi ro do bão lớn bất thường và hạn hán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng chủ động ứng phó với El Nino kéo dài