Đà Nẵng: Chung tay bảo vệ, phục hồi các rạn san hô

Vũ Thành|23/08/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để chống suy giảm san hô do nhiều tác động khách quan và chủ quan, cần sự chung tay của các cá nhân, tổ chức phối hợp cùng TP. Đà Nẵng trong công tác bảo vệ, trồng một số loài san hô thích hợp và phục hồi các rạn san hô ở khu vực ven biển bán đảo Sơn Trà.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng Nguyễn Đỗ Tám nhiều lần bày tỏ, mất hàng chục năm để một cành san hô phát triển cao lên 10-20cm, nhưng chỉ cần một du khách hoặc một thuyền chở khách du lịch lặn, ngắm san hô thả neo cũng có khả năng làm gãy nhiều cành san hô, hủy hoại nhiều năm phát triển.

Trong nỗ lực kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để bán đảo Sơn Trà sớm trở thành điểm đến xanh, vào cuối tháng 7/2022, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa tổ chức tọa đàm về rạn san hô ở ven biển bán đảo Sơn Trà.

Tại đây, nhiều người giật mình khi nghe ông Lê Chiến, người sáng lập Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa chia sẻ, rạn san hô tại khu vực Ghềnh Bàn (vũng Đá Bàn) đã bị suy giảm nghiêm trọng với diện tích khoảng 2km2 do tác động chủ yếu của các cơn bão trong những năm qua, nhất là những cơn bão mạnh, siêu bão trong 2 năm 2020 và 2021. Các rạn san hô khác cũng bị suy giảm ảnh hưởng do tác động của con người.

“Trong những năm qua, nhóm lặn chúng tôi nhặt và đưa được hơn 25 tấn rác ở các rạn san hô lên bờ, trong đó có nhiều tấm lưới “ma”. Nhưng hiện còn khoảng 100 tấn lưới “ma” mắc tại các rạn san hô, rất khó gỡ và đòi hỏi phải có kỹ năng để thu lưới này, bảo đảm an toàn cho san hô lẫn người lặn, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Cùng với đó, chúng tôi đã cấy tạo được 39.000m2 san hô với tổng giá trị rất lớn”, ông Lê Chiến chia sẻ.

ran-san-ho.jpg
Vùng biển ở bán đảo Sơn Trà sở hữu những rạn san hô rất đẹp

Còn theo kết quả nghiên cứu đánh giá biến động hệ sinh thái rạn san hô khu vực Sơn Trà và Cù Lao Chàm do nhóm tác giả Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Minh Thiện của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Dương Công Vinh của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Gia Lai, trong 21 năm qua, rạn san hô sống ở khu vực Sơn Trà đã suy giảm 37,65%. Kết quả nghiên cứu nói trên được nhóm tác giả tính toán theo dữ liệu ảnh viễn thám và GIS, xử lý ảnh vệ tinh, phân loại nền đáy kết hợp khảo sát thực địa, đo đạc đặc điểm nền đáy, độ sâu...

Diện tích san hô sống bị mất nhiều, nhất là ở khu vực phía bắc bán đảo Sơn Trà với hơn 64% diện tích tại vũng Đá Bàn và hơn 63% diện tích tại phía tây Bãi Bắc. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, diện tích san hô sống đã tăng trở lại trong 5 năm gần đây với mức tăng hơn 24% diện tích tại khu vực Bãi Bụt, Mũi Giòn và 50% diện tích ở Hòn Sụp. Sự suy giảm san hô sống diễn ra tại tất cả các rạn san hô, sự phục hồi hay hình thành mới chưa đủ để các rạn san hô trở về trạng thái ban đầu.

Cũng theo nhóm tác giả, sự suy giảm diện tích san hô bị chi phối bởi cả nguyên nhân tự nhiên và hoạt động của con người. Đà Nẵng nằm trong khu vực chịu nhiều tác động của bão và lũ lụt nên các hệ sinh thái rạn san hô dễ bị phá hủy bởi trầm tích từ đất liền, ngọt hóa do mưa lũ, sóng mạnh do bão.

Bên cạnh đó, hiện tượng gia tăng nhiệt độ nước biển cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến suy giảm diện tích rạn san hô. Việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, sử dụng các dụng cụ đánh bắt cá được xem là nguyên nhân chính tàn phá các rạn san hô.

Nhóm tác giả Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Minh Thiện và Dương Công Vinh đề xuất thành phố cần thực hiện phân vùng và bảo vệ rạn san hô (vùng khai thác hợp lý, vùng phục hồi sinh thái, vùng bảo vệ nghiêm ngặt...); hợp tác nghiên cứu, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là kêu gọi sự tham gia đồng quản lý của cộng đồng ngư dân địa phương, gắn kết quyền lợi khai thác với nghĩa vụ bảo tồn...

Từ năm 2018 đến nay, dù Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa đã tiến hành trồng và cứu hộ các rạn san hô nhưng các hoạt động phục hồi rạn san hô đòi hỏi nguồn lực con người có chuyên môn, công nghệ thực hiện, nguồn lực tài chính lớn và thời gian thực hiện lâu dài.

Do đó, công tác khoanh vùng và quản lý phải mang lại hiệu quả để giảm thiểu tối đa các tác động của con người lên rạn san hô nhằm giúp hệ sinh thái có thời gian phục hồi. Đồng thời, thành phố cần có những nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học để xây dựng phương pháp tiếp cận và chiến lược quản lý phù hợp cho địa phương.

Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thời gian qua, các đơn vị chức năng của thành phố triển khai xử lý tình trạng tàu du lịch chở khách lặn, ngắm san hô trái phép tại khu vực Sơn Trà; bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, du khách đến tham quan và huy động người dân tham gia các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ngày 6-8 vừa qua, ban quản lý phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Câu lạc bộ Sup Đà Nẵng và Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa triển khai chương trình “Làm sạch đáy biển” tại khu vực rạn san hô tại Hòn Sụp và đã thu gom được hơn 100kg lưới “ma” cùng nhiều loại rác thải. Qua đó kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là những người có sức khỏe tốt và kinh nghiệm bơi lặn tham gia đội xử lý lưới “ma” tại các rạn san hô ở khu vực Sơn Trà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Chung tay bảo vệ, phục hồi các rạn san hô