Đà Nẵng: Phát huy hiệu quả từ mô hình phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng

Vũ Thành|09/11/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” đi vào hoạt động, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của người dân TP. Đà Nẵng trong thực hiện quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ.

9 tháng đầu năm 2022, TP.Đà Nẵng có 48 vụ cháy, tuy giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đáng báo động, có đến gần 63% (tức 30 vụ cháy) xảy ra ở nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Con số 63% cháy nhà ở, hoặc kết hợp cơ sở sản xuất kinh doanh không khỏi khiến nhiều người giật mình.

Thống kê này cũng cho thấy, ở hầu hết các vụ cháy, thiết kế nhà dân đều không phù hợp với việc kết hợp sản xuất kinh doanh; cấu trúc nhà đa số phải cải tạo; lẫn lộn giữa nhu cầu sinh hoạt và buôn bán. Tại các nhà dân kết hợp kinh doanh, buôn bán không chỉ hàng hóa bừa bộn, mà công năng sử dụng cũng không đúng nên rất dễ sinh ra sự cố như chập điện - nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy nổ.

Khác với những cơ sở xây dựng cho mục đích sản xuất, kinh doanh thuần túy, nhà dân kết hợp với các mục đích khác là mắt xích tương đối yếu trong công tác PCCC. Nhất là ở trung tâm thành phố, vốn là nơi có các khu phố cũ, nhà liền kề, diện tích nhỏ, hẻm nhỏ không đảm bảo PCCC, khi xảy ra cháy nổ dễ dẫn đến cháy lan, hậu quả liên hoàn.

mo-hinh-phong-chay-chua-chay.jpg
Vụ cháy nhà ở kết hợp cửa hàng trung tâm Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng để lại nhiều bài học trong công tác PCCC

Nhằm nâng cao năng lực PCCC tại khu dân cư, Công an thành phố vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay. Đối với hộ gia đình kết hợp kinh doanh, số bình chữa cháy xách tay được yêu cầu trang bị nhiều hơn. Bước vào giai đoạn mới, tình hình cháy, nổ phức tạp hơn, Công an thành phố đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Mô hình nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, thực hiện công tác PCCC.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố cho biết: “Nếu cháy xảy ra, vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ rất quan trọng, có thể kìm hãm đám cháy và chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu. Đặc biệt, tại các kiệt, hẻm nhỏ, vai trò của lực lượng này càng quan trọng hơn, bởi khi có sự cố xảy ra, chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ là chính, vì các phương tiện chữa cháy hiện đại rất khó tiếp cận và tác chiến”.

Để mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đạt hiệu quả thực tiễn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các quận, huyện phối hợp Công an các phường, xã chủ động hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC; quy chế hoạt động của tổ liên gia; cách sử dụng phương tiện chữa cháy, CNCH và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra cho các thành viên trong hộ gia đình…

Được biết, với mô hình này, từ 5 - 15 hộ dân/tổ, mỗi hộ có 1 chuông - 2 nút nhấn báo cháy trong và ngoài nhà liên kết với nhau để mọi nhà đều nghe, khi xảy ra cháy, họ có thể hỗ trợ nhau. Hay như mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” bố trí mỗi khu dân cư 1 hộp có bình PCCC, xà beng, kềm cộng lực cho lực lượng PCCC tại chỗ, bước đầu cũng đã cho thấy những lợi ích thiết thực.

Do đó, sau một thời gian thí điểm, cần tổng kết, đánh giá. Nếu thấy những mô hình trên có hiệu quả, cần khẩn trương nhân rộng để không chỉ nâng cao ý thức người dân mà lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng có thể ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại trước khi Cảnh sát PCCC đến hiện trường.

Đến nay, Công an các quận, huyện triển khai thực hiện và tổ chức ra mắt 47 điểm xây dựng mô hình, trong đó 18 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 29 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Việc mở rộng và tăng độ phủ kín của mô hình trên là giải pháp để phát hiện sớm hỏa hoạn và tăng thêm hiệu quả, phương tiện cho lực lượng PCCC tại chỗ.

Theo Công an thành phố, tùy vào thực tiễn, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, song vẫn đáp ứng được yêu cầu của mô hình. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu kiện toàn trang thiết bị và từng bước nhân rộng, để người dân nhận thấy rõ tính hiệu quả và tầm quan trọng của công tác PCCC tại cơ sở. Với mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 5 - 15 hộ gia đình liền kề cùng tham gia. Mỗi hộ được bố trí một chuông báo cháy, hai nút nhấn báo cháy lắp trong và ngoài nhà.

Do được liên kết nên khi nhấn chuông, tất cả các hộ đều nghe, từ đó hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy. Trong khi đó, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được lắp đặt một hộp phương tiện chữa cháy, bên trong có bình chữa cháy xách tay và xà beng, kìm cộng lực…

Thượng tá Nguyễn Thành Nam cho rằng, nếu lực lượng tại chỗ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và chữa cháy, CNCH kịp thời khi đám cháy mới phát sinh sẽ làm hạn chế cháy nổ lớn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Trên thực tế, cháy, nổ luôn gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Việc kiềm chế cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ với lực lượng PCCC mà còn đối với các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân.

Hiện nay, các vụ cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh... có xu hướng gia tăng, đặc biệt các khu dân cư trong kiệt, hẻm sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận được, trong khi ở đó các điều kiện an toàn PCCC không bảo đảm.

Vì vậy, việc thành lập các “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” giúp xây dựng lực lượng tại chỗ có kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp cơ quan chức năng để phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Phát huy hiệu quả từ mô hình phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng