Đà Nẵng vận hành hồ thủy điện giảm lũ cho vùng hạ du

Vũ Thành|10/10/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Công tác chuẩn bị vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để cắt, giảm lũ cho các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang nói riêng và khu vực hạ du sông Vu Gia nói chung đang được các đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ tháng 10 đến 12-2022, khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ và xảy ra những trận thiên tai lớn, cao điểm là vào tháng 10 và tháng 11.

Trong mùa cạn năm nay, do mưa nhiều trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nên khác với mọi năm, các hồ thủy điện luôn nhiều nước. Đến đầu mùa lũ, nhất là từ chiều tối 27/9 đến chiều 28/9, bão số 4 (bão Noru) ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, làm mực nước các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 dâng lên nhanh, gần đến mực nước dâng bình thường (đầy hồ). Trong đó, thủy điện Sông Bung 4 có nước đầy hồ sớm nhất và phải điều tiết lũ qua tràn xả lũ ngay từ chiều 28/9.

van-hanh-ho-thuy-dien.jpg
Ảnh minh họa

Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2022, lưu lượng nước về hồ Sông Bung 4 cao hơn 80,7% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Vào ngày 13/9, thủy điện Sông Bung 4 đã vượt kế hoạch sản lượng điện của năm 2022. Với lượng nước về hồ nhiều, công ty đã có chiến lược chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh để được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) huy động phát điện với thời gian và lưu lượng xả nước tương đối cao nhằm góp phần hạ thấp mực nước hồ, có thêm dung tích phòng lũ để vận hành cắt, giảm lũ tốt hơn cho hạ du. Công ty Thủy điện Sông Bung đã hoàn thiện việc kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị và tổ chức triển khai tổng kiểm tra, diễn tập các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão; đồng thời chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập, người và tài sản vùng hạ du.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được công ty triển khai và sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và an toàn cho người, tài sản ở hạ du. Công ty đã phối hợp với chính quyền các địa phương vùng hạ du xây dựng phương án phối hợp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với những nội dung cụ thể về chế độ vận hành bình thường, vận hành giảm lũ cho hạ du, vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành trong tình huống bất thường. Đồng thời kiểm tra, phát thử 15 trạm cảnh báo xả tràn từ xa, kiểm tra 72 cột mốc lũ đã xây dựng vùng hạ du; tăng cường cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả nước qua tràn xả lũ. Thủy điện A Vương sẵn sàng ứng phó các tình huống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Sau bão số 4 (Noru), ngay khi lũ trên sông Vu Gia hạ thấp dưới mức báo động 1, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành 3 hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 vận hành hạ thấp mực nước trong hồ để chuẩn bị đón trận lũ tiếp theo. Đến 7 giờ sáng 6-10, các đơn vị quản lý, vận hành đã hoàn thành hạ thấp mực nước trong 3 hồ về mực nước cao nhất trước lũ, tạo tổng dung tích trống trong hồ (dung tích phòng lũ) hơn 105 triệu m3 để điều tiết lũ, cắt, giảm lũ cho hạ du.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, Phó Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết thêm: “Khi nhận được thông tin dự báo mưa lớn có khả năng xuất hiện lũ, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành tiếp tục hạ thấp mực nước các hồ chứa sớm, trước lũ để tạo thêm dung tích phòng lũ phục vụ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du”. Theo đó, 3 hồ thủy điện nói trên sẽ tiếp tục hạ thấp tối đa đến mực nước đón lũ thấp nhất với tổng dung tích phòng lũ hơn 205 triệu m3. Đối với hồ thủy điện Sông Tranh 2, đến sáng 6/10, hồ còn dung tích phòng lũ hơn 363 triệu m3.

Theo TS. Lê Hùng, giảng viên khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có thể cắt lũ đối với những trận lũ nhỏ, làm giảm lũ cho hạ du đối những trận lũ lớn. Để vận hành thủy điện cắt, giảm lũ hiệu quả cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam cần xem xét lại việc điều tiết các trận lũ đầu mùa, tránh trường hợp tích nước đầy hồ rồi xả ào ạt; xem lại mực nước và dung tích phòng lũ sau ngày 15-11 và dung tích lũ chi tiết hơn ứng với từng thời đoạn như: trước ngày 30/10, trước ngày 15/11... Bên cạnh đó nâng cao năng lực cán bộ điều hành các hồ chứa và xây dựng bài toán vận hành hồ theo thời gian thực nhằm dự báo, vận hành tốt nhất...

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng cần xem lại việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở hạ lưu vì gần đây, mực nước lũ sông Vu Gia dâng lên gần mức báo động 3 rất nhanh. Thành phố cần xử lý việc cản trở thoát lũ của các công trình giao thông ở huyện Hòa Vang gây ngập lũ đối với một số địa phương, nhất là ở xã Hòa Tiến. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho rằng: “Lũ ở huyện Hòa Vang chủ yếu là từ sông Vu Gia ở Quảng Nam chảy về nên chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Nam để giám sát chặt chẽ quá trình vận hành các thủy điện, xây dựng bản đồ ngập lụt, quản lý hành lang thoát lũ, đề xuất điều chỉnh những điểm chưa phù hợp trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, xử lý các tuyến đường giao thông chắn ngang tuyến thoát lũ tự nhiên..., nhằm giảm thiểu rủi ro về lũ lụt”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng vận hành hồ thủy điện giảm lũ cho vùng hạ du