Nghị quyết vừa được Đại hội đồng thông qua do Vanuatu và các nước nhóm đảo Thái Bình Dương khởi xướng, được 132/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.
Ngày 29/03, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua nghị quyết đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan pháp lý quốc tế cao nhất của Liên Hợp Quốc, đưa ra ý kiến về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề nghị ICJ làm rõ "các hệ quả pháp lý" nếu quốc gia thành viên "gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thống khí hậu và các bộ phận khác của môi trường".
Với Nghị quyết này, Đại hội đồng yêu cầu ICJ làm rõ hai vấn đề liên quan biến đổi khí hậu.
Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng như Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)…, nhất là liên quan việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra.
Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề nghị ICJ xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai
Việc thông qua Nghị quyết cho thấy cộng đồng quốc tế có thể và đã sẵn sàng hơn trong việc cùng hành động mạnh mẽ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.