Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo.
Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và cơ hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, cũng như mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.
Thủ tướng đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Đồng thời, khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo.
Người đứng đầu chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...
Thủ tướng cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch.
Các địa phương kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ động các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân. Bộ Tài chính tính toán, cân đối việc dự trữ gạo, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.
"Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế", Thủ tướng yêu cầu.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng cần duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu; tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.