Danh mục 16 lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh
Theo khoản 8, 10, điều 2 Luật Tài nguyên nước 2023, lưu vực sông liên tỉnh là vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra một cửa chung hoặc thoát ra biển nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 53/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023, các lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh bao gồm:
- Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Mã và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Cả và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Hương và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Trà Khúc và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Ba và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Sê San và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Srêpốk và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông Cửu Long và vùng phụ cận;
- Lưu vực sông ven biển Quảng Ninh;
- Lưu vực sông ven biển Quảng Bình và Quảng Trị;
- Lưu vực sông ven biển Nam Trung Bộ.
Nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh
Theo điểm b khoản 1 Điều 12 Luật Tài nguyên nước 2023, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch tài nguyên nước và được lập cho thời kỳ 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm. Điều 16 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh có các nội dung chính sau đây:
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan; hiện trạng quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;
- Dự báo xu thế biến động số lượng, chất lượng nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước cho các ngành trong thời kỳ quy hoạch; phân vùng chức năng nguồn nước; khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước; ngưỡng, lượng nước có thể khai thác cho từng đoạn sông, từng khu vực, tầng chứa nước; dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; rà soát, tổng hợp các công trình điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước; xác định các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch;
- Xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch;
- Giải pháp, kinh phí, kế hoạch thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch;
- Định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra bao gồm:
+ Phân phối lượng nước, thứ tự ưu tiên để điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước cho các ngành, địa phương, đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xác định nguồn nước, công trình dự phòng để cấp nước sinh hoạt; chuyển nước lưu vực sông (nếu có);
+ Xác định các đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có quy mô lớn, có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh hoặc có tác động lớn đến nguồn nước;
+ Giải pháp công trình, phi công trình để bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra;
+ Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;
+ Xác định khu vực, nguồn nước cần ưu tiên lập kế hoạch chi tiết về một hoặc một số nội dung sau: điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;
+ Nội dung khác mang tính chất đặc thù của từng lưu vực sông;