Phục hồi hệ sinh thái lưu vực sông Hồng, đảm bảo an ninh nguồn nước

Mai Hạ|15/03/2024 08:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình” được xây dựng phù hợp với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, đồng thời phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

Dự án được xây dựng với mục tiêu cốt lõi là tăng cường an ninh nguồn nước, giảm thiểu suy thoái hệ sinh thái, duy trì, nâng cao đa dạng sinh học và cải thiện khả năng phục hồi sinh kế trên lưu vực sông Hồng thông qua áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái.

14-hoi-thao-nc.jpg
Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì hội thảo

Sáng 14/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo tham vấn dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ ban ngành, địa phương liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học của một số Viện nghiên cứu; đại diện các Cơ quan đối tác phát triển quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình” được Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp cùng FAO xây dựng từ năm 2022. Vượt qua nhiều vòng xét duyệt, đến tháng 6 năm 2023, Quỹ Môi trường toàn cầu đã chính thức có thông báo cấp kinh phí để xây dựng văn kiện dự án hoàn chỉnh.

Theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà, đây là dự án được xây dựng phù hợp với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, đồng thời phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Dự án được xây dựng với mục tiêu cốt lõi là tăng cường an ninh nguồn nước, giảm thiểu suy thoái hệ sinh thái, duy trì, nâng cao đa dạng sinh học và cải thiện khả năng phục hồi sinh kế trên lưu vực sông Hồng thông qua áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái.

Cũng theo ông Ngô Mạnh Hà, sau quá trình xây dựng văn kiện với sự phối hợp, tham vấn các chuyên, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tác quốc tế, bản dự thảo văn kiện dự án đã gần hoàn thành. Hội thảo tham vấn văn kiện dự án này được tổ chức, nhằm tạo cơ hội để nhóm xây dựng văn kiện dự án tiếp nhận ý kiến các chuyên gia và các Bộ ban ngành có liên quan, cũng như đi đến thống nhất về các nội dung liên quan đến dự thảo văn kiện dự án, để đảm bảo dự án đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tính thực tiễn khi đi vào giai đoạn triển khai tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe đại diện FAO và nhóm thiết kế dự án giới thiệu về Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình tổng hợp phục hồi hệ sinh thái; giới thiệu về dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”; An ninh nguồn nước và hệ sinh thái trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình; giới thiệu về các giai đoạn xây dựng Dự án: Mục tiêu, quy trình, văn kiện dự án và nhân lực; khung kết quả đầu ra và các hoạt động liên quan.

14-ht-nc.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Trình bày văn kiện dự án, ông Alex Smajgl, Điều phối viên dự án cho biết, Dự án “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình” được thực hiện với mục tiêu là áp dụng các phương pháp tiếp cận quản lý tài nguyên nước tổng hợp, duy trì, phục hồi và nâng cao đa dạng sinh học cũng như cải thiện sinh kế giúp xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư sinh sống trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Cùng với đó Dự án sẽ thiết lập thêm nhiều hệ sinh thái trên cạn và nước ngọt, giảm thiểu rủi ro do lũ lụt và hạn hán cực đoan, từ đó tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái và cộng đồng trước biến đổi khí hậu. Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ cho các khoản đầu tư của Việt Nam vào phục hồi hệ sinh thái để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về đảm bảo đa dạng sinh học và giảm khí thải các - bon.

Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua 4 hợp phần kỹ thuật. Đó là, cải thiện an ninh nguồn nước thông qua tăng cường hỗ trợ cho việc phục hồi tổng hợp hệ sinh thái bằng cách thiết lập và hỗ trợ các nền tảng liên ngành và phát triển các công cụ như hạch toán nước dựa trên dòng chảy sử dụng dữ liệu bổ sung từ viễn thám để hỗ trợ quá trình ra quyết định và xây dựng các giải pháp khuyến khích đổi mới đối với cộng đồng địa phương ở lưu vực sông Lô và sông Đà.

Hợp phần thứ hai là triển khai các cơ chế khuyến khích quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái nhằm kích cầu đầu tư, tạo việc làm và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Hợp phần thứ ba là cung cấp các hoạt động xây dựng năng lực và phổ biến kiến thức. Và Hợp phần thứ tư là tập trung vào giám sát và quản lý hiệu quả dự án, đồng thời cung cấp các đầu vào cho Chương trình Tổng hợp Phục hồi Hệ sinh thái toàn cầu.

Trên cơ sở các nội dung Văn kiện dự án, cũng tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến, trao đổi các nội dung, thông tin liên quan tới hoạt động xây dựng văn kiện dự án hoàn chỉnh nhằm đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra. Theo đó các đại biểu cho rằng, việc thực hiện dự án cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau; sản phẩm đầu ra của dự án phải rõ ràng và mang tính ứng dụng cao, có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho người dân tại vùng dự án, đặc biệt là hỗ trợ, đóng góp vào việc thực thi, triển khai Chương 3 của Luật Tài nguyên nước 2023 về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước.

Trước yêu cầu nhiệm vụ về bảo đảm an ninh nguồn nước trong tình hình mới, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân cần được tăng cường hơn, trước hết là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh...

Để duy trì và nâng cao tính chủ động tạo nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước ở các địa phương; tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo vệ nguồn sinh thủy...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước từ hồ chứa, hệ thống thủy lợi bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn cho người dân, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn kết hợp nâng cao năng lực kiểm soát lũ của các công trình; nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm khả năng kiểm soát mưa lớn, triều cường, chống mưa lũ theo thiết kế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phục hồi hệ sinh thái lưu vực sông Hồng, đảm bảo an ninh nguồn nước