Đẩy sớm sản xuất vụ Đông Xuân nhằm tránh hạn mặn

Minh Lâm|14/10/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong điều kiện xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ Đông Xuân, một số vùng cần rà soát xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2023 - 2024, cơ bản hoàn thành trong năm 2023 để phù hợp với tình hình.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực. Đáng chú ý các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, giai đoạn đầu mùa khô tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 có thể xả nước hạn chế. Vì vậy, dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm.

Tại vùng các cửa sông Cửu Long, dự báo tháng 11 và 12/2023, ranh mặn 4 g/lít ở mức từ 25 - 30km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Tháng 1 và 2/2024, ranh mặn 4g/lít vào sâu từ 55 - 65km, cao hơn từ 10 - 15 km so với trung bình nhiều năm, so với năm 2020 thấp hơn từ 5 - 12km, so với năm 2016 thấp hơn từ 1 - 3km. Phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.

gieo-cay.jpg
Ảnh minh họa.

Tại vùng hai sông Vàm Cỏ, dự báo tháng 11, tháng 12/2024, ranh mặn 4 g/lít ở mức từ 30 - 40km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.

Tháng 1 và 2/2024, ranh mặn 4g/lít vào sâu từ từ 65 - 70km, cao hơn từ 5 - 15km so với trung bình nhiều năm, so với năm 2020 thấp hơn từ 5 - 10km, so với năm 2016 thấp hơn từ 15 - 20km.

Nhìn chung, nguồn nước ngọt vẫn xuất hiện ở các vùng từ dưới Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây khoảng 5km, và dưới Bến Lức từ 2 - 5km trên sông Vàm Cỏ Đông vào kỳ triều thấp.

Theo Cục Thủy lợi, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, trường hợp như xâm nhập như 2015 - 2016, tại vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước, cần tăng cường các giải pháp từ tháng 2/2023. Dự báo vùng ảnh hưởng khoảng 66.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp (Long An 5.600ha, Tiền Giang 13.000ha, Bến Tre 12.000ha, Trà Vinh 15.000ha, Sóc Trăng 20.000ha).

Các diện tích khả năng bị ảnh hưởng trên phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, cần chủ động gieo cấy sớm tại các vùng không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ.

Các địa phương khác tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn nhưng cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước trường hợp diễn biến nguồn nước bất thường xuất hiện.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, thời vụ xuống giống cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể từ ngày 10 - 30/10/2023 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ, thiếu nước như vùng ven biển Nam Bộ gồm: các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang sẽ cần xuống giống sớm để né mặn với khoảng 375.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân.

Bài liên quan
  • Biển Đông hình thành một vùng áp thấp
    Trong ngày và đêm 14/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và khu vực Giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đẩy sớm sản xuất vụ Đông Xuân nhằm tránh hạn mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.