Để xử lý tình trạng sạt lở tại Cà Mau cần 1.000 tỷ

Thu Hương (T/h)|24/07/2019 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH).

ĐBSCL được xem là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Từ năm 2007 – 2014, qua số liệu tổng kiểm kê lâm nghiệp, thì có khoảng hơn 7.800ha đất ven biển bị mất đi. Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp, khó lường trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu.

Trong đó, tỉnh Cà Mau là tỉnh dễ bị tổn thương trước những thách thức lớn của BĐKH nhất do có địa hình thấp so với mặt nước biển; Hai chế độ thuỷ triều (nhật triều và bán nhật triều); Đường bờ biển dài nhất cả nước (254km/3,260km); Hệ thống kênh mương các cấp chằng chịt (trên 10.000km); Có 87 cửa sông lớn nhỏ thông ra biển.

Đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng bờ biển tại khu vực cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Đặc biệt, trong những năm gần đây tình hình hiện tượng thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Lốc xoáy, nước biển đâng, ngập úng, bức xạ mặt trời cao, lún sụp đất, hay mưa bất thường…đáng kể nhất là hiện tượng EL ninol xảy ra vào năm 2014 – 2016, kéo dài suốt 20 tháng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, trong đó diện tích bị thiệt hại lên đến 51.047 ha của khoảng 36.650 hộ dân trong.

Qua rà soát tình hình sạt lở bờ biển của tỉnh Cà Mau thì hiện nay toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105km. Trong đó sạt lở rất nguy hiểm là 65km. Ước tính bình quân bờ biển Cà Mau sạt lở 450ha/năm.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục Trưởng chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện nay, tại Cà Mau tình trạng sạt lở diễn ra cả biển Đông và biển Tây. Cụ thể, từ 20 ÷ 25m/năm ở bờ biển Tây, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Tại biển Đông bình quân từ 45 ÷ 50m, thậm chí có nơi sạt lở 100m/năm”.

Theo ông Hoai, đối với bờ biển Tây khu vực bị sạt lở nguy hiểm là 57km. Cụ thể, đoạn từ Tiểu Dừa – Ba Tỉnh sạt lở 25km; Đoạn từ Ba Tỉnh – Mũi Tràm sạt lở 17km; Đoạn từ Sông Đốc – Mũi Háp sạt lở 15km. Trong đó, có 40.5km sạt lở rất nguy hiểm.

“Đối với bờ biển Đông có 48km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Trong đó, có 24,5km sạt lở rất nguy hiểm như: Đoạn Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) sạt lở 3,5km; Đoạn Ô Rô (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) sạt lở 3km; Đoạn Rạch Rốc (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) sạt lở 6,3km; Hốc Năng 5m; Vàm Xoáy 5km”…ông Hoai nói.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã và đang xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài 28,5km với số vốn là 953 tỷ đồng. Còn lại 36,5km chưa được xử lý (trong đó bờ biển Đông có 16km và bờ biển Tây có 20,5km). Nhu cầu vốn để xử lý xói lở 923 tỷ đồng. (Bờ biển Đông 440 tỷ đồng, Bờ biển Tây 483 tỷ đồng).

Trước đó, trong chuyến khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển, cũng như tận mắt chứng kiến những giải pháp công trình kè khắc phục sạt lở ở tuyến đê biển Tây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, đánh giá: “Vấn đề sạt lở biển đối với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, hiện nay đều rất nghiêm trọng. Theo tính toán không chính thức thì hiện nay mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 500ha.

Như vậy, vấn đề đặt ra địa phương phải làm thế nào để hạn chế được vấn đề sạt lở hiện nay. Hiện các giải pháp đề ra thì đã có và đã nghiên cứu từ rất lâu. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau đã rất chủ động trong các nghiên cứu các giải pháp để phòng, tránh sạt lở bờ biển khoảng hơn 10 năm trước”.

Theo Thứ trưởng Hiệp, cùng với các nghiên cứu khoa học của các cơ quan nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Viện thủy công (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), các đơn vị trong đó có cả tư nhân và tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Ngoài chuyện nghiên cứu hạ giá thành xuống, thì làm thế nào để có nguồn vốn kịp thời, trước mắt xử lý những điểm sạt lở trọng yếu hiện nay. “Đối với địa bàn Cà Mau thì khu vực biển Tây còn khoảng 20km, biển Đông có khoảng 30km tuyến đê cần khắc phục khẩn cấp. Tính ra giá bình quân độ khoảng 22 tỷ đồng/km (khoảng 1 triệu USD), hiện ở địa bàn tỉnh Cà Mau chúng ta cần khoảng 1.000 tỷ đồng để xử lý các điểm xung yếu này. Chắc chắn là phải có nguồn tiền, kể cả đi vay, hoặc nguồn trái phiếu do Chính phủ cấp. Với cách làm hiện nay, thì chắc chắn là chúng ta sẽ sớm hoàn thành việc phòng chống sạt lở bờ biển”.

Hiện Cà Mau có hơn 1.000 hộ dân trong khu vực ven sông cần được di dời khẩn cấp

Các giải pháp kè chống sạt lở hiện nay của tỉnh Cà Mau dang áp dụng như: Kè chống sạt lở bằng rọ đá kết hợp cọc BTCT; Kè chống sạt lở bằng rọ đá kết hợp cừ bản nhựa, cừ tràm; Kè chống sạt lở bằng kết cấu BTCT theo kiểu tự chèn; Kè chống sạt lở bằng cừ dừa; Đê trụ rỗng; Kè chống sạt lở bằng cọc BT ly tâm kết hợp đá hộc; Kè cấu kiện bằng bê tông cốt phi kim phá sóng (Busadco).

Khu vực ĐBSCL rất cần được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, để triển khai ứng phó trong công tác phòng chống thiên tai. Qua đó, tìm ra những giải pháp công trình để chống sạt lở bờ sông, bờ biển tối ưu, mang tính hiệu quả.

Thu Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Để xử lý tình trạng sạt lở tại Cà Mau cần 1.000 tỷ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.