Đề xuất khung giá cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp

Minh Lâm|22/11/2022 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo phương án đề xuất của EVN, giá phát với điện mặt trời chuyển tiếp gần 1.188-1.570 đồng một kWh, còn điện gió khoảng 1.591-1.945 đồng, tuỳ loại hình.

dien-gio.jpg
Ảnh minh họa.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn thiện dự thảo xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trình Bộ Công Thương xem xét.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (không kịp hưởng giá FIT), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có hiệu lực ngày 25/11.

Theo thông tư này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông tư có hiệu lực, chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021 có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN.

EVN đã gửi công văn tới hơn 240 nhà máy năng lượng tái tạo đề nghị cung cấp thông tin. Đến ngày 16/11, EVN nhận được phản hồi từ chủ đầu tư của 208 nhà máy điện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, gồm 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất, 4 nhà máy điện mặt trời nổi, 109 nhà máy điện gió.

Để đảm bảo tiến độ kế hoạch, do nhiều nhà máy chưa hết thời hạn để các chủ đầu tư cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN, nên EVN đã tổng hợp, tạm sử dụng dữ liệu của 208 nhà máy để xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển gửi Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thẩm định.

EVN đưa ra bốn phương án tính toán dựa trên số liệu đầu vào theo cung cấp của các chủ đầu tư dự án, như suất đầu tư; tỷ lệ vốn vay ngoại tệ/nội tệ; lãi suất vốn vay nội, ngoại tệ; thuế thu nhập doanh nghiệp và điện năng giao nhận bình quân của các dự án.

Ở phương án 1, giá phát điện với nhà máy điện mặt trời mặt đất bình quân khoảng 1.482,74 đồng một kWh; điện mặt trời nổi 1.740,84 đồng một kWh; điện gió trên bờ 1.590,88 đồng, còn trên biển 1.971,12 đồng mỗi kWh.

Phương án 2, giá điện mặt trời mặt đất khoảng 1.508,39 đồng một kWh; điện mặt trời nổi 1.569,83 đồng; điện gió trên bờ 1.597,55 đồng và trên biển là 1.944,91 đồng.

Phương án 3, Nhà máy điện mặt trời mặt đất 1.508,76 đồng/kWh; điện mặt trời nổi không đủ dữ liệu tính toán; điện gió trên bờ 1.630,21 đồng/kWh và trên biển 1.973,99 đồng/kWh.

Phương án 4 được EVN tính cho Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và 3, lần lượt là 1.187,96 đồng và 1.251,66 đồng mỗi kWh.

Theo EVN, các chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu báo cáo và tuân thủ quy định pháp luật trong thực hiện dự án; các thông số tính toán chỉ là giả thiết của EVN và cần phải được thẩm tra, quyết định bởi Bộ Công Thương.

Do yêu cầu khẩn của Bộ Công Thương nên EVN không có đủ thời gian thuê tư vấn độc lập để tính toán khung giá làm cơ sở để trình. Vì thế, EVN đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục sử dụng các chuyên gia độc lập hoặc Hội đồng tư vấn theo quy định để nghiên cứu kỹ các tính toán và đề xuất của EVN trước khi quyết định phê duyệt làm cơ sở cho việc xác định giá điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá.

Bài liên quan
  • COP27: Thêm 9 quốc gia mới tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu
    Thêm 9 quốc gia mới đã đồng ý tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA), gồm: Anh, Mỹ, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Colombia với cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đề xuất khung giá cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp