Đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường bao bì khó phân hủy ngang với thế giới

Nguyên Lâm|07/03/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, hộp nhựa xốp… cũng như chưa khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế, Bộ Tư pháp dự kiến đề xuất mức thuế BVMT với bao bì khó phân hủy tương đương với mức thu ở các nước khác trong Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị Dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), trong đó, một trong những định hướng sửa đổi đáng chú ý là mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, ngoài túi ni lông đang thuộc diện chịu thuế, sẽ bổ sung hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế với tên gọi chung là “bao bì khó phân hủy sinh học”. Khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước. Mục đích là nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, hộp nhựa xốp… cũng như chưa khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế.

bao-bi-nilon.jpg
Ảnh minh họa.

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Ví dụ: Anh: 5 penny/túi, tương đương 1.400 đồng/túi; Ailen: 22 cent/túi, tương đương 6.600 đồng/túi; Hong Kong (Trung Quốc): 50 cent/túi, tương đương 1.500 đồng/túi; Estonia đang dự kiến thu thuế đối với túi nilon ở mức 2 kroons/túi, tương đương 3.000 đồng/túi... Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon. Ví dụ Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon có độ dày nhỏ hơn 0,025 mm; Ấn Độ cấm sử dụng túi mỏng dưới 50 micron; Đài Loan (Trung Quốc) cấm sử dụng túi nhựa mua sắm mỏng hơn 0,06 mm. Trong khi Mỹ cấm hoàn toàn sử dụng túi ni lông ở hầu hết các bang thì Malaixia cấm sử dụng túi ni lông tại một số khu vực, nếu muốn sử dụng thì phải trả mức thuế là 20 cent/túi, tương đương 1.040 đồng/túi.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sử dụng túi ni lông nhiều nhất trên thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi/tháng, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông (phần lớn là túi khó phân hủy).

Và cũng như nhiều nước khác, Việt Nam cũng áp dụng thuế bảo vệ môi trường như một trong những công cụ quan trọng nhất để kéo giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy với mức 50.000 đồng/kg. So với các nước, có thể thấy khung và mức thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam là rất thấp, đáng lo ngại hơn, vì nhiều lý do, tình trạng thất thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông rất đáng báo động.

Theo thống kê, nếu nhân mức thuế bảo vệ môi trường với lượng túi ni lông nước ta tiêu thụ thì số tiền thu được phải là hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ thu được khoảng 70 tỷ đồng - số tiền quá nhỏ để có thể tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng túi mặt hàng này.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế cùng với túi ni lông và tăng thuế suất bảo vệ môi trường với những mặt hàng này là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng “ô nhiễm trắng”. Còn mức tăng bao nhiêu thì các cơ quan chức năng cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Luật này được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các doanh nghiệp chung tay hưởng ứng.

Tháng 6/2019, có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã cùng nhau đồng sáng lập nên Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng hiện nay. Hơn thế nữa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau. EPR được coi là một cơ chế hiệu quả, thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của doanh nghiệp, của người dân, chắc rằng chúng ta sẽ thành công trong hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Việt Nam thật sự xanh, sạch, đẹp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường bao bì khó phân hủy ngang với thế giới