(Moitruong.net.vn) – Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã báo cáo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT kết quả triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố.
Tư vấn cho các trại chăn nuôi lợn nái quy mô lớn loại thải lợn nái kém chất lượng dựa trên 13 tiêu chí loại thải
Theo đó, ngoài tổ chức 7 hội nghị, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm đã tư vấn áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất, đảm bảo về an toàn dịch bệnh, ổn định phát triển đàn lợn trên địa bàn các huyện, thị xã.
Cụ thể, đã tổ chức tư vấn cho các trại chăn nuôi lợn nái quy mô lớn loại thải lợn nái kém chất lượng dựa trên 13 tiêu chí loại thải. Kết quả, đến nay các trại chăn nuôi đã tự loại thải từ 15-20% đàn lợn nái kém chất lượng; hướng dẫn các trại chăn nuôi lợn tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong nước, nhất là đối với đàn lợn thịt (giá thức ăn tự phối trộn giảm được từ 1.000 – 1.500 đồng/kg); đối với đàn lợn nái, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chế độ dinh dưỡng để không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn cho các doanh nghiệp tổ chức tiêu thụ thịt lợn trực tiếp cho người chăn nuôi; kết nối với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: Công ty Lebio, Vinh Anh, Thái Dương, D&A… tiêu thụ được hơn 20.000 con lợn thương phẩm với giá từ 28.000 đến 35.000 đồng/kg, tương đương giá trị khoảng 60 tỷ đồng…
Trung tâm tư vấn các trại chăn nuôi, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm bền vững
Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn các trại chăn nuôi, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đây là giải pháp chính và cấp bách để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và tình trạng được mùa rớt giá. Trung tâm đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn tại các huyện, thị xã để kịp thời cung cấp thông tin về tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm hiện nay, dự báo trong thời gian tới; tư vấn, triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế khó khăn, giúp người chăn nuôi tồn tại và phát triển…
Từ thực tế triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi lợn, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tham mưu Cục Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy hoạch và cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chỉ phát triển vùng, xã trọng điểm, trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư theo quy hoạch.
Cân đối lại nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu để cấp phép chăn nuôi cho các trại lợn giống cụ kị, ông bà và các trại chăn nuôi quy mô lớn. Bổ sung thêm các chính sách phát triển chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ giảm giá thành sản xuất, hỗ trợ các trại chăn nuôi có đầu tư về giống, công nghệ chăn nuôi chất lượng cao để đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Hỗ trợ công tác phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm, cân đối cung cầu, hài hòa lợi ích, thành lập hiệp hội ngành hàng thịt lợn.
Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong hoạt động phát triển chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn. Quy định áp dụng công cụ quản lý nhà nước về giá trần, giá sàn đối với các sản phẩm chăn nuôi. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến dự trữ thịt cấp đông theo chương trình dự trữ quốc gia. Hoàn thiện và ban hành các quy định về tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông, phát triển chuỗi giá trị đồng bộ từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm để có cơ sở khuyến cáo áp dụng rộng rãi.
Thanh Bình