Đền Cửa Ông – ngôi đền linh thiêng nơi đất mỏ

Minh Lâm|09/02/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đền Cửa Ông ở phía Đông Bắc thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) là ngôi đền linh thiêng với kiến trúc độc đáo được du khách gần xa tìm đến mỗi dịp Xuân về.

den-cua-ong.jpg
Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) đón đông đảo du khách tới tham quan, dâng lễ dịp đầu xuân năm mới

Hàng năm, Đền Cửa Ông là nơi thu hút rất đông người dân tới chiêm bái, tham quan. Nằm trên một vị trí “tựa sơn hướng thủy”, đây là nơi “gặp gỡ” của núi non, rừng già và biển cả, được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vị trí đắc địa, trang nghiêm.

Hướng dẫn di chuyển đến Đền Cửa Ông

Vị trí Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Theo Google Maps, nếu tính từ trung tâm thành phố Hà Nội đến đền Cửa Ông thì tổng quãng đường là 196km.

Trên thực tế, quãng đường từ trung tâm TP Hà Nội đến Đền Cửa Ông sẽ thay đổi tùy thuộc vào điểm xuất phát của du khách, tuy nhiên tổng quãng đường sẽ là khoảng 200km và di chuyển bằng ô tô sẽ hết khoảng 3,5 đến 4 tiếng đồng hồ.

Đối với việc thuê xe đoàn hay đi xe khách thì sẽ các bên nhà xe hướng dẫn tận tình điểm đến. Trường hợp gia đình tự túc thì có một số gợi ý cho du khách để việc đi lại thuận tiện hơn.

Cụ thể, có ba cách đi chính từ trung tâm thủ đô Hà Nội tới đền Cửa Ông. Du khách có thể đi theo hướng cầu Thanh Trì về Bắc Ninh chuyển hướng tới đường 18 đi Hạ Long khi tới cầu Bãi Cháy thì chuyển hướng đi Cẩm Phả. Ngoài ra, du khách có thể đi theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hoặc di chuyển theo hướng đường 5 cũ hướng Uông Bí, Hạ Long.

den-cua-ong.jpg
Toàn cảnh đền Cửa Ông nhìn từ trên cao.

Sự tích Đền Cửa Ông

Theo truyền thuyết dân gian, có lần tại biển Cửa Suốt, tự nhiên trời bỗng dưng mưa to, gió lớn, sấm sét nổi lên ầm ầm. Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng đang đi tuần trên biển, thấy có một phiến đá to nổi lên, liền ngang nhiên ngồi lên trên đó. Sóng nổi cuồn cuộn, mực nước dâng lên cao nhưng phiến đá vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông đi, đè đầu những ngọn sóng lớn.

Khi mưa gió lặng yên, dân chúng không thấy ông đâu nữa, mà bên trên phiến đá chỉ có một cái mũ, liền rước về thờ, lập miếu và tâu lên triều đình. Đó là ngày 16 tháng 8 năm 1311 và ngày này được xem là ngày hóa của ông.

Nhà vua đã sắc phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần Ông và được xem là vị chủ thần ở Đền Cửa Ông. Bên trong đền có tượng ông và đôi câu đối, hàm ý nghĩa trân trọng và thông cảm với ông giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh vang lừng Đất Bắc. Để dấu thiêng nơi Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam và được gia nhập vào điện thần Tứ phủ, vị thần Đệ Tam cửa Suốt cũng rất thiêng.

Đền Cửa Ông (Đền cửa Suốt), nơi đây không chỉ thờ Trần Quốc Tảng, mà gần như đủ hệ thống Trần Triều không nơi nào có được. 

Đền Cửa Ông - di tích lịch sử văn hóa độc đáo

Đền Cửa Ông không chỉ mang lại giá trị to lớn về lịch sử, tâm linh, Đền còn nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị đặc sắc về văn hóa dân tộc, nghệ thuật.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông tọa lạc trên một quả đồi và hướng ra bờ vịnh Bái Tử Long. Địa hình nơi đây là một dải thung lũng hẹp dọc theo quốc lộ 18 là nơi giao thoa giữa núi non, rừng, biển một cảnh đẹp tuyệt vời ở vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đến tham quan Đền Cửa Ông, du khách sẽ được tham quan 3 khu vực chính bao gồm: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và các đền được phân bố ở ba vị trí khác nhau theo chiều lên cao dần, tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc hướng ra vịnh Bái Tử Long. Vị trí Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; khu Đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu và đền Quan Chánh… Đây là Đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn lại đến nay.

den-thuong-den-cua-ong.jpg
Khu di tích Đền Thượng. Ảnh: M.S

Hiện nay, Đền Cửa Ông lưu giữ được 34 pho tượng lớn, nhỏ đã được các nghệ nhân tỉ mẩn, chạm trổ công phu, với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật.

Cùng với những giá trị lịch sử to lớn thiêng liêng, Đền Cửa Ông còn mang giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hoá dân tộc đặc sắc và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn được đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm bái.

den-cua-ong-2.jpg
Nghi lễ rước binh trên biển tại Lễ khai hội đền Cửa Ông.

Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, sự chung tay của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, Đền Cửa Ông đã được tôn tạo, mở rộng không gian ngôi đền. Nơi đây cũng là một trong số điểm sáng về công tác quản lý với mô hình “4 không” được duy trì tốt từ nhiều năm nay: Không mất vệ sinh môi trường; không mất an ninh trật tự, đảm bảo giá cả các dịch vụ xung quanh; không ăn xin và không chèo kéo khách.

Lễ hội đền Cửa Ông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đền Cửa Ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

den-cua-ong-1.jpg
Nghi lễ rước Đức Ông và Thánh mẫu hoàn cung tại Đền Cửa Ông

Không những vậy, Đền Cửa Ông còn được xây từ nhiều loại vật liệu như: Đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung… Kiến trúc đặc biệt được trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng. Phần trong nhà Đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, đẹp, chắc như: đinh, lim, trắc, gụ… Ngoài ra, khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ… trên đó được khắc họa bằng những bức phù điêu, bức trướng, câu đối…và các hoa văn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy…

Theo nhiều du khách cho biết, ngoài việc thu hút bởi kiến trúc độc đáo, giá trị tâm linh mang lại sự trang nghiêm, thành kính, Đền Cửa Ông còn mang lại sự thư thái, trong lành bởi những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng rất nhiều cây cảnh, các loài hoa được chăm sóc cẩn thận, tỉ mẩn.

Khu Đền được bố trí trên các ngọn đồi thoải, đan xen, hài hòa dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên cảnh tĩnh mịch, trang nghiêm. Trước cửa ngôi Đền là vịnh Bái Tử Long, đảo lớn, đảo nhỏ muôn hình, muôn vẻ, hùng vĩ nổi bật trên nền xanh biếc của biển cả… Nằm trong khung cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, vị trí ngôi Đền đã được người xưa ca tụng với câu thơ: “Nghìn trùng nước biếc buông tay áo, bốn phía non xanh tạc hoạ đồ”.

Giá trị ý nghĩa của đền Cửa Ông

Là một trong những ngôi đền hội tụ đầy đủ giá trị quý báu về lịch sử, văn hoá, thẩm mỹ.  Đền Cửa Ông được đáng giá là một trong những ngôi đền đẹp nhất của Việt Nam.

Về tính lịch sử: Khu di tích đền Cửa Ông mang biểu tượng của tinh thần chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, biểu tượng đó được thể hiện bằng sự tôn vinh các anh hùng dân tộc thời Trần.

Về văn hoá: Hệ thống thờ tự của khu di tích đền Cửa Ông thể hiện rõ nét văn hoá truyền thống đó là tục thờ cúng tổ tiên bao đời nay của dân tộc Việt Nam; điều này có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ mầm non tự hào về truyền thống Lạc Hồng “ uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Về khoa học: Di tích đã góp phần làm sáng tỏ thêm vài trò lịch sử của một số nhân vật thời nhà Trần.

Về thẩm mỹ: Khu di tích đền Cửa Ông mang tính giá trị thẩm mỹ cao thể hiện qua kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, các bức cốn, hoành phi, câu đối… Khu di tích đền Cửa Ông thể hiện phong phú về đường nét và sống động về hình thể.

den-cua-ong-3.jpg
Tượng thờ tại Đền Cửa Ông được chạm trổ công phu có giá trị văn hóa, thẩm mỹ

Ghé thăm di tích lịch sử Đền Cửa Ông lúc nào thì hợp lý?

Du khách có thể ghé thăm Đền Cửa Ông vào hai ngày tháng giêng đầu năm và tới hết tháng 3 âm lịch vì lúc này tiết trời mát mẻ, thoải mái, dễ chịu để du Xuân. Đặc biệt vào thời điểm này nơi đây sẽ diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc đó là lễ hội Đền Cửa Ông chính, hội rước Đức Ông hồi cung an vị, lễ Cầu siêu,..

Du khách có thể đến đây vào tất cả ngày lễ, cả đêm giao thừa Đền Cửa Ông luôn mở cửa cho người dân địa phương và chào đón cả du khách trong và ngoài nước tới lễ bái, cầu nguyện bình an.

Nếu bạn là người yêu thích sự nhộn nhịp thì đi vào mùa lễ hội của Đền rất thích hợp, ngoài ra bạn có thể chọn đến đây vào các ngày thường để tận hưởng không gian yên tĩnh, tránh ồn ào, tĩnh tâm.

Những lưu ý cần nhớ khi đến Đền Cửa Ông 700 năm tuổi

Đền Cửa Ông được mệnh danh là một trong những ngôi đền linh thiêng tại tỉnh Quảng Ninh. Nếu đến tham quan nơi này, du khách cần chú ý tới những điều sau đây:

Đến thăm Đền Cửa Ông du khách cần mặc đồ trang trọng, kín đáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục chốn linh thiêng, nơi cửa Phật; Đi đứng nhẹ nhàng, tránh nói chuyện quá lớn và ảnh hưởng tới bầu không khí trang nghiêm, yên tĩnh tại đền.

den-cua-ong-4.jpg
Khu vực các đền thờ trong Khu di tích Đền Cửa Ông (Quảng Ninh)

Du khách không được tùy tiện đụng chạm vào đồ vật tại đền để tránh gây hư hại ảnh hưởng tới di tích.

Khi tham quan đền vào mùa lễ hội, du khách phải thật sự cẩn thận với tài sản cá nhân như tiền bạc, túi, ví tiền, trang sức.

Du khách khi đi lễ đền Cửa Ông hãy chú ý về cách chuẩn bị lễ sao cho đầy đủ tuy nhiên cần phải phù hợp. Cùng với đó, cần lưu ý du khách đến đền rất đông, bạn nên hạn chế đốt vàng mã và cũng không cần đặt quá nhiều lễ vật, hạn chế cúng tiền, thay vào đó hãy bỏ vào hòm công đức để không bị ảnh hưởng đến mỹ quan nơi linh thiêng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đền Cửa Ông – ngôi đền linh thiêng nơi đất mỏ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.