Điểm tin hoạt động Quốc hội ngày 13/10

Mai Hạ|14/10/2023 13:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cho ý kiến về 03 chương trình mục tiêu quốc gia; thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; ..." là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 13/10/2023.

Sáng 13/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

14-qh.jpg
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  

Báo cáo đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ về giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đoàn Giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG vì mục tiêu đặt lợi ích của Nhân dân lên cao nhất trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các Chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống người dân là đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý chủ trương đối với nội dung đề xuất của Chính phủ, cho phép quy định các nội dung về giải pháp, cơ chế đặc thù trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội mà không ban hành Nghị quyết riêng; Về thời gian thực hiện, thống nhất với đề xuất của Chính phủ là chỉ áp dụng quy định đến hết năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

6 đề xuất, kiến nghị của Chính phủ

14-qh1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp buổi sáng ngày 13/10

Thứ nhất, về việc đề xuất trình Quốc hội quyết định “cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia’’, Đoàn Giám sát thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa nội dung này vào Nghị quyết giám sát trình Quốc hội và thực hiện đến hết năm 2025 như sau:

(i) Đối với các địa phương chưa ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung này thì giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

(ii) Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung này thì trong quá trình triển khai thực hiện, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Thứ hai, đề xuất Quốc hội giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân được tự quyết định hình thức mua sắm; đồng thời, tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án.

Đoàn Giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương đối với các đề xuất này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau khi báo cáo Chính phủ có Tờ trình, trong đó làm rõ việc tự thực hiện mua sắm nghĩa là không qua đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu), cho phép đưa cơ chế đặc thù về sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ khi kết thúc dự án vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành sau hỗ trợ khi kết thúc dự án.

Thứ ba, về cơ chế giao danh mục dự án đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù, Đoàn Giám sát cho rằng, đây là đề xuất phù hợp, cần phải xử lý, tháo gỡ ngay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, đồng thời thực hiện nguyên tắc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người dân.

Vì vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đưa vào Nghị quyết Đoàn Giám sát trình Quốc hội thảo luận để áp dụng thí điểm đến hết năm 2025; nhưng cần xác định tiêu chí thế nào là quy mô nhỏ, kỹ thuật, không phức tạp (có áp dụng quy định về công trình quy mô nhỏ dưới 5 tỷ như Luật đấu thầu hay không).

Thứ tư, đối với đề xuất cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước của địa phương qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các CTMTQG, chính sách này hiện không được quy định trong các Luật hiện hành nhưng đã được áp dụng thí điểm cho thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn Giám sát thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đưa vào Nghị quyết Đoàn Giám sát trình Quốc hội.

Thứ năm, về kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách nhà nước dành cho các CTMTQG năm 2023, Đoàn giám sát cho rằng việc chậm triển khai các CTMTQG có nguyên nhân từ việc chậm phân bổ vốn (đến tháng 5/2022) và chậm ban hành văn bản hướng dẫn, do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết đến năm 2023 (bao gồm cả ngân sách năm 2022, 2023) sang đến tháng 10/2024.

Thứ sáu, về thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm riêng về vấn đề này.

Ngoài các nội dung kiến nghị nêu trên, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp tục rà soát để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc đã được Đoàn giám sát nêu trong Báo cáo kết quả giám sát để thúc đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện.

Đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội để gửi thẩm tra, trong đó cần có: (i) Tờ trình của Chính phủ; (ii) dự thảo Phần nội dung đưa vào Nghị quyết giám sát của Quốc hội; (iii) Báo cáo đánh giá tác động; (iv) Ý kiến của các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan; các tài liệu khác (nếu có) theo quy định, hoàn thành trước ngày 16/10/2023.

14-qh-hai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp buổi chiều ngày 13/10

Phân bổ, sử dụng ngân sách trung ương

*Chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận về nội dung này.

Cũng trong buổi chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về sự cần thiết, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chính sách, các điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết, rà soát tính đầy đủ, tuân thủ quy định của hồ sơ dự thảo Nghị quyết để bảo đảm điều kiện trình Quốc hội…

14-qh-phoc(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình

Sáng 13/10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 18, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với việc bổ sung một chương riêng để quy định cụ thể về hoạt động lưu trữ tư nhằm góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư; đồng thời đề nghị rà soát các quy định đối với lưu trữ tư để bảo đảm phù hợp, khả thi, vừa quản lý được vừa khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, các gia đình, dòng họ thực hiện.

Để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, sáng 13/10, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tổ chức phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Việc tiếp thu, giải trình được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đánh giá cao chất lượng các tài liệu và trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan trực tiếp thẩm tra và soạn thảo.

Chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại tổ chức Phiên giải trình về việc bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Phiên giải trình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin hoạt động Quốc hội ngày 13/10