Điện Biên khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất ở vùng cao

Hoàng Linh|11/07/2023 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hầu hết tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều thiếu nước sản xuất nông nghiệp, thậm chí ngay cả trong mùa mưa, ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ dân.

Tại các xã vùng cao huyện Tủa Chùa nhiều diện tích cây trồng (ngô, lúa nương) không sinh trưởng được do nắng nóng, thiếu nước; Một số diện tích đất do thiếu nước nên người dân không thể làm đất gieo trồng dẫn đến chậm tiến độ, kế hoạch, khung lịch thời vụ... Như tại xã Tả Phìn có hơn 200ha ruộng và hơn 450ha nương thiếu nước sản xuất trong nhiều năm qua, thậm chí ngay cả trong mùa mưa. Năm nay, nắng nóng kéo dài, mưa ít, không có nước tưới, nhiều diện tích ngô, lúa nương không phát triển được.

Theo ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, hiện nay nhiều diện tích ngô, lúa nương và các loại cây trồng khác tại các xã vùng cao trên địa bàn huyện đều trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, không phát triển. Huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã hướng dẫn người dân các giải pháp phòng chống, khắc phục hạn hán; chỉ đạo khuyến nông xã, thôn bản và tổ quản lý thủy nông hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý. Đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn tạm thời, như: Hỗ trợ máy bơm để bơm nước từ sông suối vào các chân ruộng.

thieu-nuoc-san-xuat.jpg
Ảnh minh họa

Không riêng tại Tủa Chùa, ảnh hưởng nắng nóng, khô hạn đến sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra tại nhiều địa bàn vùng cao trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa 2023 toàn tỉnh gieo trồng hơn 20.700ha lúa nước, hơn 25.500ha lúa nương, hơn 23.800ha ngô, hơn 12.700ha sắn, gần 700ha lạc; hàng chục nghìn héc ta cây ăn quả và các loại rau màu. Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông, tổ chức thủy lợi cơ sở thường xuyên theo dõi diễn biến, cập nhật mực nước tại các khe, suối, xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm, luân phiên. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; có các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới; khơi thông dòng chảy, kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại hệ thống công trình thủy lợi, công trình tưới phục vụ sản xuất. Ðồng thời, phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, hồ chứa tiếp tục nâng cấp, sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, lắp đặt hệ thống bơm tăng cường.

Ðối với những diện tích trên kênh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Ðơn cử, cánh đồng thôn Tân Phong (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) nằm dưới hạ lưu hồ thủy lợi Sông Ún nhưng nhiều năm nay nước hồ không đủ cung cấp cho sản xuất. Do đó, từ năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng đã chuyển đổi sang trồng các loại rau. Ðến nay, bằng nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, Hợp tác xã được hỗ trợ hệ thống nhà kính và công nghệ tưới phun sương tiết kiệm nước với diện tích 5.000m2.

Từ năm 2022 đến nay, tổng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.583ha (trong đó chủ yếu chuyển đổi trên đất lúa nương, hơn 1.506ha); diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm hơn 471ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hơn 1.112ha. Diện tích sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm đã khắc phục được tình trạng thiếu nước sản xuất; đồng thời giúp người dân ổn định thu nhập (tùy theo loại cây trồng tăng từ 3 - 5 lần so với sản xuất lúa nương). Tổng thu nhập trên diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến thời kỳ thu hoạch tăng từ 50 triệu đồng trở lên/ha/năm.

Ðể bảo đảm sản xuất và chủ động dự trữ nguồn nước trong thời gian tới, các địa phương đã nghị cấp thẩm quyền đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước như: Dự án hồ Nậm Seo và hồ Chiếu Tính, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) sẽ tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 25.000 người, cấp nước tưới cho 280ha đất lúa 2 vụ và 1.000ha cây công nghiệp; dự án hồ Nậm Là (huyện Mường Nhé) dự kiến cấp nước tưới cho khoảng 1.800ha đất canh tác, trong đó tưới trực tiếp cho trên 200ha lúa 2 vụ và tạo nguồn tưới ẩm cho 1.600ha cây công nghiệp; cấp nước sinh hoạt cho trên 25.000 người.

Bài liên quan
  • Bạc Liêu, Cà Mau: Sạt lở diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân
    Vụ sạt lở xảy ra đêm qua tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu Cà Mau) đã làm hư hại hoàn toàn bờ kè bê tông dài 50m, hư hại nghiêm trọng nhà xưởng của một công ty. Tại Cà Mau, liên tiếp hơn một tháng qua, các huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và một phần huyện Cái Nước xảy ra nhiều vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công trình công cộng, nhất là đường nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất ở vùng cao