(Moitruong.net.vn) – Trong 3 ngày, từ ngày 11 – 13/7 HĐND tỉnh Điện Biên tổ chức kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIV xem xét 20 báo cáo và thông quan 19 Nghị quyết quan trọng. Trong đó có báo cáo, đề cập đến kết quả và những tồn tại khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay.
Điện Biên gặp khó khăn trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực
Triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (01/7/2014), tỉnh Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật. Triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 – 2015; hoàn thành trình HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 – 2020; xác định được diện tích trồng lúa nước cần phải bảo vệ nghiêm ngặt là 12.401 ha.
Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của tỉnh đạt 89,9% diện tích đất sản xuất, cơ bản đã thực hiện xong việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND tỉnh Điện Biên; Nâng diện tích đất nông nghiệp từ 724.074,11 ha năm 2014 lên 728.964,87 ha vào năm 2016, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu phát triển nông, lâm nghiệp, tiếp tục tăng diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng, tăng diện tích che phủ rừng.
Đến nay, bước đầu đã hình thành những vùng kinh tế nông – lâm nghiệp trọng điểm như Mường Ảng – Tuần Giáo, Điện Biên – Mường Chà; khu vực rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên quốc gia tại huyện Mường Nhé; Hiệu quả sử dụng đất tiếp tục được nâng lên, tăng sản lượng lương thực, hạn chế đáng kể tình trạng du canh du cư, bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh; Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào mục tiêu nhiệm vụ phát triển Kinh tế – xã hội, giữ vững Quốc phòng – An ninh.
Thực hiện trình tự, thủ tục về chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp được các các cấp, ngành thực hiện đúng quy định. Đồng thời, tỉnh đã thu hồi 100,33 ha đất trồng lúa, 10,8 ha đất rừng phòng hộ, 993,7 ha đất nông nghiệp khác. Hiện tại tỉnh đang thu hồi 6,91 ha đất trồng lúa, 15,63 ha đất nông nghiệp khác, đảm bảo thực hiện đúng chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về quản lý sử dụng đất nông nghiệp theo quy định. Cụ thể, tỉnh đã họp, bàn thống nhất giải quyết được 14/19 điểm tranh chấp đất đai giáp ranh với tỉnh Sơn La và tiếp tục xem xét giải quyết các điểm tranh chấp địa giới còn lại với các tỉnh Sơn La và Lai Châu.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý sử dụng và sử dụng đất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại, hạn chế, như: Việc sử dụng đất nông nghiệp còn manh mún, gây khó khăn cho việc thực hiện cánh đồng lớn. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp còn khó khăn và tình trạng di dịch cư tự do, đốt phá rừng, khiếu kiện về đất đai, tranh chấp địa giới hành chính còn diễn biến phức tạp…
Tuyết Anh (Dienbien.gov.vn)