Ngày 9/4 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Viện Quốc tế vì sự phát triển bền vững (IISD) tổ chức hội thảo “Chính sách thương mại trong hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu”. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Liên kết thương mại và thích ứng khí hậu chưa được lồng ghép đầy đủ
Phát biểu tại hội thảo, bà Schmidt Katharina Sophie – Trưởng nhóm Thương mại của IISD – nhận định: “Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, nhu cầu năng lượng, thị hiếu tiêu dùng và cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại. Những yếu tố này đang làm thay đổi đáng kể cung – cầu hàng hóa và dịch vụ trên thị trường toàn cầu.”

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, yếu tố thích ứng với BĐKH hiện vẫn chưa được lồng ghép một cách đầy đủ trong chính sách thương mại của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng tiêu dùng, xuất khẩu và dịch vụ thương mại. Điều này khiến các doanh nghiệp và nông hộ khó tiếp cận các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ cần thiết để chống chọi với tác động ngày càng rõ rệt của khí hậu cực đoan.
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, khẳng định thương mại có thể là “đòn bẩy mạnh mẽ” giúp tăng cường năng lực thích ứng. “Chính sách thương mại nếu được thiết kế đúng hướng sẽ giúp huy động tài chính, tạo việc làm xanh, đa dạng hóa nguồn cung và giảm mức độ tổn thương của nền kinh tế trước các cú sốc khí hậu,” bà Liên nhấn mạnh.
Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP), xác định 27 nhiệm vụ ưu tiên trong đó có nhiều nội dung liên quan tới nông nghiệp – ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ BĐKH. Theo ông Trần Toàn Thắng (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương), đây là thời điểm thuận lợi để tích hợp sâu hơn các mục tiêu thích ứng vào chính sách thương mại, tận dụng lợi ích của thương mại quốc tế cho phát triển bền vững.
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động và hưởng lợi rõ nét
Theo bà Anne Hammill (IISD), Việt Nam không còn có thể coi thích ứng khí hậu là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp – ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH và biến động chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thương mại quốc tế có thể giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiết kiệm nước, giống cây trồng chống chịu, hệ thống cảnh báo thiên tai, cũng như các dịch vụ bảo hiểm khí hậu, tư vấn thích ứng. Những yếu tố này giúp nông dân giảm rủi ro, ổn định năng suất và duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh thời tiết ngày càng bất ổn. Trong Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), đã xác định 27 nhiệm vụ ưu tiên về nông nghiệp, mở ra cơ hội định hình chính sách thương mại theo hướng hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ tiếp cận hàng hóa và công nghệ phù hợp.

Các chuyên gia cũng đề xuất thúc đẩy chính sách thương mại theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã, nông hộ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ việc nhập khẩu công nghệ, tiếp cận tài chính xanh đến mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp thích ứng. Ngoài ra, việc minh bạch hóa chuỗi giá trị và đảm bảo khả năng cung ứng nguyên liệu cũng được nhấn mạnh như một phần không thể thiếu trong chiến lược dài hạn.
Tích hợp chính sách liên ngành là hướng đi tất yếu
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng thảo luận liên ngành nhằm xây dựng nền tảng chính sách đồng bộ hơn giữa thương mại, môi trường, nông nghiệp và tài chính. Mục tiêu là từng bước tích hợp yếu tố thích ứng vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, cũng như các công cụ thuế quan và phi thuế quan phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo thương mại trở thành một phần không thể tách rời trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu..
Hội thảo là bước đi quan trọng giúp Việt Nam khẳng định cam kết tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH, đồng thời mở rộng không gian chính sách để phát triển thương mại xanh, bền vững và bao trùm.
Trong khi đó, thương mại cũng có thể là công cụ hỗ trợ thích ứng hiệu quả nếu được tích hợp phù hợp. Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh: “Cần từng bước lồng ghép thích ứng BĐKH vào các hiệp định thương mại thế hệ mới để phát huy vai trò hỗ trợ của thương mại trong phát triển bền vững.”