Du lịch golf được xem như “kho báu” để ngành kinh tế xanh phục hồi và bứt phá hậu Covid-19. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh giành “miếng bánh thị phần” ngày càng căng thẳng, Việt Nam cần có giải pháp đột phá để du lịch golf mang lại giá trị cao.
Thị trường nội địa đầy tiềm năng
Thống kê của Câu lạc bộ Golf Hoàng gia (R&A) và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation cho biết, nếu như năm 2015, Việt Nam có 25.000 người chơi golf, thì hiện đã tăng lên khoảng 100.000 người. Các chuyên gia cũng dự báo lượng người chơi golf sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điều này là có căn cứ, bởi theo Công ty Tư vấn và Dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới Knight Frank ước tính, Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN. Dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt 31%, tương đương 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD.
Cũng theo Knight Frank, bên cạnh những gia đình khá giả cất giữ tài sản dưới dạng kim cương, vàng, thì không ít người, trong đó chủ yếu là các doanh nhân, lại sẵn sàng chi khoảng 10-20% tổng tài sản để chơi những bộ môn thể thao cao cấp, trong đó có chơi golf, hoặc sở hữu bất động sản gắn liền với golf.
Còn theo đánh giá của ông Mark Siegel, Giám đốc điều hành Công ty Golfasian, chuyên tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á: “Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên của thế giới. Du lịch kết hợp chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200 - 300 triệu USD doanh thu một năm.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu, đông thứ 15 trên thế giới. Đi liền với đó, các đường bay ngày càng đa dạng, chi phí cũng hợp lý, nên dự báo số người chơi golf hay đến các khu nghỉ dưỡng có sân golf sẽ tiếp tục tăng.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Du lịch golf được xem là “chìa khóa” để ngành du lịch Việt Nam tăng giá trị doanh thu, thoát khó khăn trong giai đoạn hồi sức hậu Covid-19.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), hiện có 61 quốc gia thành viên với 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hàng năm với 1,9 triệu golf thủ thường xuyên di chuyển tới các sân golf. Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch.
Với khí hậu nhiệt đới, đường bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, có nhiều vịnh và đồi núi hùng vĩ, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf. Tuy nhiên, so với thế giới, thị trường du lịch golf Việt còn nhiều thách thức.
Điều đầu tiên là việc gắn kết giữa các doanh nghiệp đầu tư sân golf với doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa chặt chẽ nên chưa thu hút được nhiều người, nhất là khách quốc tế đến chơi bộ môn này.
Thực tế, các sân golf đang phục vụ đến 60% là người Việt, trong khi lượng khách quốc tế, nhất là những người chơi golf trên thế giới với khối tài sản không hề nhỏ vẫn chưa “hạ cánh” tại Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa với việc, các sân golf Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sân golf trong khu vực. Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, ông Lê Hùng Nam cho biết, nếu Việt Nam có khoảng 100 sân golf thì Indonesia đã có 152 sân golf, Malaysia 230 sân và cao hơn cả là Thái Lan với 300 sân. Không chỉ có số lượng sân nhiều hơn, các nước này cũng thu hút được nhiều khách quốc tế đến chơi golf hơn.
Du lịch golf của Việt Nam chỉ mới chập chững những bước phát triển đầu tiên, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ước tính tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf mới chỉ chiếm 0,8% trên tổng số 15 triệu lượt khách, trong khi đó ở Malaysia là 2% trên tổng số 25 triệu lượt, Thái Lan là 9% trên tổng số 35 triệu lượt khách. Đây là thực tế đáng suy nghĩ đối với một quốc gia được đánh giá là có tiềm năng về du lịch golf như Việt Nam.
So với Thái Lan, thị trường này ở Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt. Ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh cho biết, có những đoàn khách Canada chuyển hướng sang Thái Lan vì nhiều chuyến bay hơn, chi phí hợp lý hơn, thủ tục dễ hơn.
Học Thái Lan cách xây dựng thương hiệu
“Ngành du lịch golf ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cũng không ít trở ngại và khó khăn như: lượng khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao, Việt Nam chưa có nhiều giải đấu chuyên nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới, chưa có những công ty du lịch chuyên khai thác du lịch golf… Trong khi các nước như Thái Lan, Malaysia đã hình thành các tour trọn gói với hệ thống cung ứng dịch vụ đa dạng từ khách sạn, nhà hàng, lữ hành… với giá cả hợp lý. Đó là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm và tìm giải pháp”, là nhận định của bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.
Trong khi đối thủ trực tiếp của chúng ta là Thái Lan đã làm rất tốt trong những năm qua. Chiến lược quảng bá du lịch golf của nước này được coi là hình mẫu lý tưởng cho nhiều quốc gia, trong đó Hội chợ du lịch golf Thái Lan (TGTM) tổ chức thường niên là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành công.
Hội chợ này là “sân chơi” cho các đơn vị điều hành golf gặp gỡ với các đơn vị cung cấp dịch vụ của Thái Lan gồm: đại diện các sân golf, học viện golf, hãng dụng cụ, lữ hành, điều hành tour, khách sạn, spa... Tất cả tạo thành một mạng lưới cung cấp dịch vụ khép kín, đưa đến cho khách du lịch golf những dịch vụ trọn gói hoàn hảo, chất lượng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một cách bài bản phát triển sân golf khá đồng đều giữa các vùng miền của cả nước trong quy hoạch phát triển du lịch golf. Du lịch golf được coi là một trong 4 cột trụ của du lịch xứ chùa Vàng. Chính phủ nước này đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch golf nhằm biến Thái Lan trở thành “Điểm đến giải trí chất lượng cao mang đậm phong cách Thái”.
Việt Nam có thể học tập cách làm chuyên nghiệp của Thái Lan để tạo dựng thương hiệu quốc tế bằng những hội chợ, giải đấu có uy tín. Nhưng để có thể phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp, cần có một tổ chức là “cầu nối” giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành với các sân golf.
Du lịch golf - “chìa khóa” để ngành kinh tế xanh thoát bẫy trung bình
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đã đón 71,8 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, mới chỉ đón được 954.600 lượt khách quốc tế, đạt gần 15% mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay.
Lý giải nguyên nhân lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, mùa du lịch Inbound (những chuyến đi khám phá vẻ đẹp con người, thiên nhiên của Việt Nam mà khách du lịch là Việt kiều hoặc người nước ngoài) của Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 năm nay, kéo dài đến tháng 4 năm sau nên đương nhiên sẽ không có nhiều khách quốc tế. Ngoài ra, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn đang siết chặt phòng chống dịch, điển hình là Trung Quốc với chính sách Zero Covid và đến nay chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, việc khách du lịch quay lại còn phụ thuộc vào các sản phẩm du lịch Việt Nam. Nếu chúng ta có nhiều sản phẩm hấp dẫn về nghỉ dưỡng thì du khách sẽ quay trở lại nhiều lần. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành du lịch cần sẵn sàng các gói sản phẩm thật sự hấp dẫn để phù hợp với thị hiếu của khách...
Về vấn đề này, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Thị trường quốc tế thay đổi rất nhiều, vì vậy các doanh nghiệp cần định hướng thị trường mới, không chỉ trước mắt mà cả những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có nhiều sản phẩm hấp dẫn, độc đáo hơn. Trong bối cảnh lượng khách quốc tế nhỏ giọt, doanh thu là vấn đề được quan tâm hơn, do đó du lịch golf được xem là “chìa khóa” để du lịch Việt Nam tăng giá trị doanh thu, thoát bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn hồi sức”.
Để du lịch golf bứt phá, ông Trần Ngọc Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho rằng, muốn golf thủ vào Việt Nam nhiều hơn, cần giảm thuế. Ngoài ra, vai trò quyết định là các công ty lữ hành trong việc kết nối khách với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm. Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam xây dựng hệ sinh thái du lịch golf để có thể đặt tour golf tại Việt Nam hoặc từ nước ngoài qua web, app.
Còn về phía các doanh nghiệp phát triển golf, họ cũng đang tìm cho mình những hướng đi riêng để khai thác lĩnh vực giàu tiềm năng này.