Dồn lực đẩy mạnh thị trường nội địa

Hồng Anh (t/h)|03/06/2020 13:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhằm khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế, việc quay trở lại chinh phục thị trường nội địa là hướng đi quan trọng nhất vào thời điểm này

Ngày 02/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trọng tâm của cuộc họp là thảo luận về các giải pháp khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế khi chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19.

Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi

Trong tháng 5/2020, tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” và đã có những tín hiệu dần phục hồi. Đã có 5.056 doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước… Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 khiến đơn hàng giảm mạnh. Song tín hiệu mừng là Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm.

Đáng lưu ý là trong bối cảnh rất nhiều khó khăn nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn thể hiện quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2020, đó là: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… Trong tháng 5, thị trường nội địa được khôi phục khá mạnh mẽ. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp.

Việt Nam nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau Covid-19.

Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa

Từ sự phân tích, nhận định tình hình, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tái khởi động nền kinh tế trên các ngành, lĩnh vực gắn liền với thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác phòng chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện rất hiệu quả mục tiêu kép và đạt được những kết quả rất tích cực, cụ thể; các hoạt động kinh tế – xã hội đã cơ bản trở lại trạng thái hoạt động bình thường; cùng với đó, chúng ta đã giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, kịp thời có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, qua đó không ngừng nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ .

“Kinh tế thế giới cũng như tình hình dịch bệnh trong khu vực và toàn cầu diễn biến hết sức phức tạp, song kinh tế nước ta trong tháng 5 phục hồi khá nhanh và khá mạnh so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã làm việc hết mình, quyết tâm hoàn thành toàn diện, thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra; nhiều bộ, ngành đã cam kết không điều chỉnh kế hoạch; đó là những tấm gương cần đánh giá cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cùng với việc nêu bật những kết quả tích cực đạt được về kinh tế – xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập tới các khó khăn, thách thức cần phải xử lý, vượt qua, trong đó nổi lên là tình hình đại dịch COVID – 19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp; áp lực lạm phát còn lớn; xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tiếp tục đề cao cảnh giác dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là. Không lùi bước trước khó khăn, thách thức; các cấp, các ngành phải có giải pháp cụ thể, hiệu quả và tinh thần làm việc kiên quyết, quyết liệt; kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vừa chống dịch hiệu quả.

Quyết liệt triển khai, đẩy nhanh thực hiện các gói hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, đối tượng, đầu mối giải quyết các chính sách trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng. Cổng Thông tin điện tử của các địa phương, của Bộ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tăng cường thông tin về nội dung này để nhân dân, các đoàn thể giám sát.

Các cấp, các ngành, địa phương cần bám sát, có chương trình hành động để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19; tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư xã hội, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, xem xét đẩy mạnh cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê trong bối cảnh hiện nay. Phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa; hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, tiêu dùng cá nhân. Các ngành hàng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu; thúc đẩy phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ. Chú trọng triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo, công nhân.

Phát huy thế mạnh, sức lan tỏa của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực để tiếp tục dẫn dắt, làm gương.

Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch và thanh toán điện tử; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Nghiên cứu, tạo ra các loại vật liệu mới phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, tăng tỉ lệ nội địa hóa để dần thay thế nguyên vật liệu nhập khẩu. Thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều hơn vào yếu tố chất lượng, sáng tạo và bền vững, trong đó cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường khả năng kết nối doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hợp tác xã.

Quan tâm cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hồng Anh (t/h)

Bài liên quan
  • Nỗ lực vực dậy du lịch
    Moitruong.net.vn – Du lịch Việt Nam đang có những động thái tích cực nhằm phục hồi trở lại sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch COVID-19. Kích cầu du lịch bằng các sản phẩm giá tốt, chất lượng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dồn lực đẩy mạnh thị trường nội địa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.