Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với sụt lún đất nghiêm trọng

Hà Linh (T/h)|28/10/2018 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thống kê, trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là 18cm, có những điểm trên 30cm và chưa có dấu hiệu dừng lại, từ khu vực nông thôn đến thành thị đang là những nơi gánh chịu hậu quả của tình trạng sụt lún này.

– Sụt lún đang là vấn đề lớn đối với ĐBSCL, không chỉ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương mà gần 20 triệu dân đồng bằng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng khi nguồn tài nguyên nước bị đe dọa; nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển đang là những thách thức cho cả đồng bằng.

>>>Nga: Gần 7000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt

>>>Cao Bằng: Nhiều tuyến đường bị sạt lở do mưa lũ

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún tại ĐBSCL là do khai thác mực nước ngầm quá mức, chỉ tính riêng năm 2015 sụt lún trung bình toàn đồng bằng là 1,1 cm. Các thành phố và các vùng công nghiệp có tốc độ sụt lún nhanh hơn đến 2,5cm/năm so với các vùng nông thôn khoảng 1,0 -2,0 cm/năm. Các đô thị như Cần Thơ, Vĩnh Long nằm trong vùng đã sụt lún 20cm trong giai đoạn 25 năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo thông tin trên VOV, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc khai thác nước ngầm quá mức đang gây ra tình trạng sụt lún ngày càng trở nên trầm trọng, khiến cho nhiều đô thị ngày càng ngập sâu. Ngoài ra, hệ thống đê bao khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa nhanh ở các địa phương cũng khiến cho sụt lún ngày càng nhanh.

Vấn đề cấp bách hiện nay là phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, đối với các vùng ven biển cần chuyển đổi sinh kế phù hợp và coi nước mặn, nước lợ là một lợi thế, khi đó vấn đề sử dụng nước ngọt sẽ ít đi và giảm thiểu được vấn đề sụt lún của ĐBSCL.

“Đầu tiên phải kiểm soát được việc khai thác nước ngầm. Khu vực nào cần nhiều nước ngọt, đặc biệt là vùng ven biển hiện nay thì theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là phải chuyển đổi sinh kế, mà chúng ta tận dụng được chính lợi thế của nước mặn, nước lợ để phát triển sinh kế thì khi đó nước ngọt sẽ cần ít đi. Thứ 2, phải đưa nước ngọt về các vùng đang thiếu. Đó là những giải pháp đồng bộ cần phải triển khai để giảm thiểu được sử dụng nước ngầm, từ đó giảm thiểu được phần nào khả năng sụt lún của đồng bằng”- ông Sơn nêu ý kiến.

Để giải quyết các vấn đề về sụt lún, các địa phương cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trong đó triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hà Linh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với sụt lún đất nghiêm trọng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.